Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức về giảm năng suất và thiếu lao động tay nghề

H.A| 26/05/2010 01:17

(HNMO) - Tại hội nghị ASEAN về Phát triển Nguồn Nhân lực lần 2 diễn ra vào ngày 25/5, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết: trong khi ASEAN đang có dấu hiệu phục hồi kinh tế một cách vững chắc, thị trường lao động ở hầu hết các nước, bao gồm Việt Nam, đang phải đối mặt với các thách thức to lớn.


Đó là tái cân bằng tăng trưởng, tăng chất lượng và số lượng việc làm, tăng cường kỹ năng của lực lượng lao động và xác định các vấn đề làm giảm năng suất lao động.

Mặc dù các nền kinh tế trong khu vực đang có dấu hiệu tăng trưởng nhanh trở lại, thực tế là kinh tế tăng trưởng chậm và co hẹp của ASEAN trong khủng hoảng đã làm giảm năng suất và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động của các quốc gia trong khối. ASEAN chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm 2009 dù dự đoán tăng trưởng của khối cho năm 2010 là 5,4%. Tình hình của Việt Nam khả quan hơn các nước ASEAN khác với tăng trưởng GDP là 5,3% trong năm 2009 và dự kiến là 6% cho năm 2010. 

Điều đáng lo ngại là năng suất lao động của ASEAN đang tụt bậc thấp hơn các nước Trung Quốc và Ấn Độ. Năng suất lao động trung bình hàng năm của khu vực ASEAN vào năm 2009 giảm 0,3 % so với năm 2007, trong khi đó tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỉ lệ lại tăng tương ứng 8,7% và 4,0 %. Việt Nam đã từng có tăng trưởng năng suất lao động ấn tượng trong thập kỷ trước, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chỉ bằng một nửa tỷ lệ trung bình của khối ASEAN và 1/12 tỷ lệ của Singapore. Đầu tư nâng cao kỹ năng và tăng chất lượng việc làm là thiết yếu để tăng năng suất lao động.


“Các xu hướng năng suất lao động gần đây chỉ ra những thách thức cạnh tranh nghiêm trọng đối với khu vực ASEAN, đặc biệt đối với các thành viên phát triển hơn trong khối”, ông Gyorgy Sziraczki, Kinh tế gia Cao cấp của ILO cho biết. “Tăng năng suất lao động là yếu tố sống còn để có tỷ lệ tăng trưởng bền vững, tăng năng suất lao động phải được thể hiện ở lương cao hơn, công việc và điều kiện làm việc tốt hơn. Nếu lương không cao hơn, tiêu dùng nội địa không thể gia tăng và kinh tế sẽ vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. Mặt khác, chia sẻ thành quả đạt được sẽ giúp “đôi bên cùng có lợi”, tăng năng suất lao động sẽ cải thiện lương và điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng sống và tăng sức cạnh tranh”.

Việc làm dễ bị tổn thương có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian khủng khoảng, chiếm vào khoảng 61% lực lượng lao động của ASEAN trong năm 2009. Việc làm dễ bị tổn thương được định nghĩa là những người tự kiếm sống với mô hình làm việc cá nhân hoặc gia đình. Công việc này có đặc trưng là lương thường thấp hơn, không ổn định và ít được bảo trợ xã hội. Lao động nghèo cũng tăng nhanh trong hai năm qua với số lượng người lao động sống dưới ngưỡng nghèo nghiêm trọng (dưới 1,25 đô la) tăng từ 24% lên 27%.

Bà Sachiko Yamamoto, Tổng giám đốc ILO khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tham dự hội nghị ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực, cho biết: “Để ASEAN phục hồi một cách bền vững, cần có những lựa chọn chính sách cân bằng và thực tế để hỗ trợ sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường và đẩy mạnh việc làm bền vững…”. “Hiệp ước Việc làm Toàn cầu của ILO cung cấp biện pháp như vậy, nhằm mục đích xúc tiến phục hồi bền vững với năng suất chất lượng, tập trung vào đầu tư, việc làm và bảo trợ xã hội”, bà Sachiko Yamamoto nói thêm.

Hiệp ước Việc làm Toàn cầu được phê chuẩn bởi các nước thành viên ILO tại Hội nghị Lao động Quốc tế năm 2009. Hiệp ước nhằm mục đích thu ngắn khoảng thời gian phục hồi kinh tế và phục hồi việc làm bằng cách xúc tiến một loạt các lựa chọn chính sách hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở tạo nhiều việc làm mà các quốc gia có thể áp dụng tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể.

Rất nhiều thách thức về thị trường lao động được liệt kê trong báo cáo cũng là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là thiếu lực lượng lao động có kỹ năng, gia tăng việc làm dễ bị tổn thương và việc làm trong khu vực phi chính thức và năng suất lao động vẫn thấp. Thêm vào đó, để tăng cường hội nhập sâu trong khu vực, cần hỗ trợ tạo điều kiện hợp tác với các doanh nghiệp từ các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, những nền kinh tế có thể cung cấp thêm các lợi ích như việc chuyển giao các kỹ năng và công nghệ đã được trau dồi. Cải thiện hợp tác ba bên giữa chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động là rất cần thiết để giải quyết những thách thức này bằng cách tăng cường kỹ năng và năng suất của lực lượng lao động.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, lưu ý rằng vẫn còn có các thách thức về việc làm và ILO sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề này thông qua sự hợp tác tốt đẹp và bền vững với các đối tác của mình (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam). Hợp tác xây dựng chính sách và nâng cao năng lực để phục hồi kinh tế về tương lai lâu dài sẽ đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả mọi nguời dân Việt Nam, bao gồm các nhóm lao động dễ bị tổn thương. “Sát cánh bên nhau, chúng tôi hy vọng sẽ đẩy mạnh tiến trình việc làm nhiều và tốt hơn cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2011-2020) và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (2011-2015). Tầm quan trọng của việc đặt việc làm và việc làm bền vững làm trung tâm của các chính sách kinh tế và xã hội cũng là yếu tố chủ chốt của Hội nghị về Phát triển Nguồn nhân lực ASEAN mà Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch của ASEAN, tổ chức vào ngày 25/5”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức về giảm năng suất và thiếu lao động tay nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.