Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức trước yêu cầu đổi mới

Lâm Vũ| 28/03/2011 06:58

(HNM) - Đó là một trong những kết luận được rút ra từ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước


Gia đình là nền tảng cơ bản tạo nên tư duy, lối sống của người Việt, là cội rễ của các giá trị văn hóa, giá trị sống trong thế giới hiện đại.  Ảnh: TTXVN


Nền kinh tế thị trường có tác động hai mặt. Một mặt, nó khiến cho tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của con người được phát huy, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, nó làm nảy sinh tính ích kỷ, tiền tệ hóa nhiều giá trị, biến tiện nghi trở thành chuẩn mực đánh giá giá trị con người. Cũng từ đây, lối sống trên tiền trở thành cách sống của một bộ phận dân cư. Trên thực tế, không ít người xây nhà cao cửa rộng không phải để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà để thể hiện sự giàu có hơn người. Có người sắm xe hơi sang trọng, dùng hàng hiệu cao cấp chỉ nhằm mục đích phân biệt địa vị kinh tế và từ đó, xác lập địa vị xã hội, khinh miệt người nghèo. Và chính lối sống này là một trong những nguyên nhân dẫn tới tệ nạn xã hội như buôn bán ma túy, mại dâm, ăn chơi trác táng, xem thường thuần phong mỹ tục, xem rẻ nhân phẩm con người.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện phó Viện Triết học, Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế", lối sống thích quyền lực, làm quan, làm thầy thiên hạ, ngại làm thợ tồn tại ở khắp nơi. Hậu quả của lối sống này là sự mất cân bằng về cơ cấu nguồn nhân lực, một yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Nó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đặc biệt là lực lượng công nhân có tay nghề. Lối sống ấy thể hiện ngay ở việc học. Người ta cho rằng phải học để làm quan, làm công chức, bám vào Nhà nước, sợ làm thợ, làm công nhân, "làm thầy nuôi thợ, làm thợ nuôi miệng". Bên cạnh đó, tư duy và lối sống tiểu nông còn phổ biến, thể hiện ở tính thụ động, cầu may, ăn xổi, thiếu sáng tạo, tác phong tùy tiện, ý thức kỷ luật kém.

Làm gì để xây dựng lối sống mới?

Những giá trị của nền văn minh công nghiệp cũng đã hiện đại hóa lối tư duy và làm cho đời sống tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Cuộc sống người Việt Nam hôm nay không còn bó hẹp trong sinh hoạt và giao tiếp gia đình, làng xóm, mà đã mở rộng theo nhu cầu văn hóa dưới các hình thức mới. Tuy nhiên, nhiều giá trị tốt đẹp trong nếp sống, phong tục tập quán, lễ nghi của người Việt Nam đang mai một. Quan hệ giữa người và người, tình làng nghĩa xóm dường như mờ nhạt đi rất nhiều. Sự đùm bọc, cưu mang theo tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" ít diễn ra một cách tự nguyện mà đòi hỏi sự hô hào, kêu gọi của tập thể, tổ chức. Mặt khác, một số người trở nên ích kỷ, chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt của mình và quen với lối sống gấp, hưởng thụ. Điều đáng nói là bệnh sống gấp lan cả sang những người trung tuổi và nó không chỉ xuất hiện ở thành thị, mà còn len lỏi về nông thôn.

Bên cạnh đó, đặc trưng của tư duy truyền thống thiên về tình hơn lý, lấy đạo đức làm cơ sở trong quan hệ ứng xử giữa người với người đã che mờ quan hệ pháp lý - vốn được coi trọng trong các xã hội phát triển. Với cách ứng xử "mười cái lý không bằng một tí cái tình", các quan hệ pháp lý trở nên trì trệ và tư duy pháp lý của người Việt trở nên yếu kém. Ngoài ra, tư duy và lối sống của người Việt hiện còn chịu ảnh hưởng nặng nề của những mặt tiêu cực của lối sống bao cấp như tính độc quyền, xin - cho, ỷ lại, ngại thay đổi, đùn đẩy và trốn tránh trách nhiệm cá nhân.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, để xây dựng lối sống của con người Việt Nam trước yêu cầu đổi mới, trước hết chúng ta phải khơi dậy và phát huy hiệu quả những đặc điểm tích cực của bản sắc dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, kinh tế là mặt trận hàng đầu và phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn của dân tộc ta. Yêu nước ở mỗi người dân chính là cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, tu dưỡng, lao động để làm giàu cho chính mình và cho xã hội. Ngoài ra, những giá trị khác như lòng nhân ái, khoan dung, tinh thần lạc quan, ý chí tự cường dân tộc… cũng cần được khơi dậy, phát huy; bổ sung yếu tố tích cực từ bên ngoài để làm phong phú hơn nội dung trong hệ thống thang giá trị, góp phần xây dựng một chuẩn mực đời sống mới của con người Việt Nam hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức trước yêu cầu đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.