(HNM) - Hơn 4 năm kể từ khi được bàn giao căn hộ cũng là ngần ấy thời gian, cư dân của tòa nhà NO9-B1 Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy liên tục có đơn kiến nghị về chất lượng công trình, cùng các điều kiện về dịch vụ…
Bức xúc của người dân
Trong đơn gửi Báo Hànộimới, cư dân tòa nhà NO9-B1 cho biết, sau khi dọn về ở một thời gian ngắn, đã xảy ra nhiều lỗi kỹ thuật tại tòa nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều căn hộ bị thấm dột, khu vệ sinh luôn trong tình trạng ẩm mốc, vữa, sơn, đá ốp mặt ngoài bong tróc từng mảng lớn. Công trình vận hành đã hơn 4 năm nhưng hệ thống báo cháy tự động trục trặc, không hoạt động. Trước thực tế đó, Ban quản trị khu nhà đã gửi nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư (CĐT) giải quyết, song phần lớn đơn thư không được trả lời.
Gia đình ông Bình phải bỏ ra 50 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo khu vệ sinh. |
Dẫn chúng tôi lên căn hộ P308, ông Chu Hữu Bình (chủ hộ) bức xúc: "Tòa nhà đã có Ban quản trị, có chi bộ đảng, có chi hội phụ nữ và đoàn thanh niên... thế nhưng đã 4 năm rồi không có phòng sinh hoạt cộng đồng. Một phần diện tích tầng 2A theo thiết kế được dùng cho sinh hoạt cộng đồng nay đã bị CĐT chiếm dụng hoàn toàn. Thậm chí, cửa cầu thang bộ dẫn vào tầng này luôn bị khóa. Chỉ nhân viên của công ty có thẻ mới sử dụng được thang máy để xuống tầng 2A. Giữa năm 2013, UBND phường Dịch Vọng đã có văn bản số 132/UBND yêu cầu CĐT bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân trong tòa nhà, nhưng đến nay mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ".
Cũng theo ông Bình, chất lượng nhà chung cư rất kém, khu vệ sinh liên tục bị thấm dột, nước từ tầng trên ngấm xuống chảy thành giọt, tường ẩm, rêu mốc. Ngay từ năm 2010, gia đình ông đã làm đơn kiến nghị gửi CĐT. Ban quản lý tòa nhà cử 2 nhân viên kỹ thuật đến xem qua loa, lập biên bản hiện trạng, nhưng sau đó "mất tăm". Để ngăn nước ngấm vào tường nhà, giữa năm 2014, gia đình ông Bình phải tự bỏ ra 50 triệu đồng thuê thợ chống thấm, chống dột.
Không chỉ riêng căn hộ 308, nhiều căn hộ trong chung cư này cũng gặp các sự cố tương tự. Theo thống kê, có 21 căn hộ từ tầng 3 đến tầng 17 của tòa nhà bị ngấm, thấm nghiêm trọng.
Không chỉ kiến nghị về chất lượng nhà, 172 hộ dân đang sinh sống trong tòa nhà này đều đã hoàn thành hồ sơ và nghĩa vụ tài chính nhưng không hiểu vì lý do gì CĐT khất lần, không làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho các hộ dân. Sau nhiều lần khiếu nại, vừa qua chủ đầu tư thông báo mời các hộ dân lên nhận " sổ đỏ" nhưng phải nộp một khoản tiền tương đương 0,5% tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng căn hộ để làm phí "chạy" sổ đỏ. Như vậy, trung bình mỗi chủ hộ phải nộp thêm từ 10 đến 15 triệu đồng/sổ. Thấy quá vô lý, nhiều hộ dân đã từ chối nhận sổ. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đang xác minh làm rõ và sẽ thông tin vào một dịp thích hợp.
Chủ đầu tư... "lý sự cùn"
Trước kiến nghị của cư dân, ngày 4-11-2014, nhóm PV Báo Hànộimới đã làm việc với Ban lãnh đạo Công ty LIDECO. Sau khi nghe PV thông báo nội dung buổi làm việc, ông Vũ Gia Cường - Tổng Giám đốc tỏ ra bực tức và nói: "Toàn bộ nội dung khiếu kiện của cư dân là vô căn cứ. Những vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức họp để gặp gỡ, giải thích cho cư dân nhưng họ không chịu hiểu". Về công tác bảo hành chung cư, ông Cường cho biết: "Tòa nhà N09-B1 được CĐT đưa vào sử dụng từ năm 2007-2008, đến nay đã hết thời hạn bảo hành theo quy định". Tuy nhiên, khi nhóm PV đưa bằng chứng cho thấy, tòa nhà mới được bàn giao cho các chủ hộ và đi vào sử dụng từ tháng 6-2010, nghĩa là còn tới 8 tháng nữa mới hết thời hạn bảo hành theo quy định, ông Cường quay ngoắt: "Đúng là tôi trực tiếp nhận nhiều đơn xin sửa chữa, bảo hành căn hộ của các hộ dân. Chúng tôi đã bảo hành cho rất nhiều căn hộ, trong đó hầu hết lỗi hỏng hóc do người sử dụng không biết cách vận hành thiết bị gây ra...". Để chứng minh, ông Cường mời ông Nguyễn Hoài Ân, Trưởng phòng Tư vấn Giám sát của công ty lên đối chất. Song đáng tiếc, khi nhóm PV yêu cầu ông Ân cung cấp những thông tin cụ thể về những căn hộ đã được CĐT thực hiện công tác sửa chữa, bảo hành, ông Ân ngẩn ra hồi lâu rồi lắc đầu từ chối với lý do: "Tôi không nhớ"! Cũng theo ông Cường: "Khi phát hiện tình trạng gạch ốp ngoài tòa nhà bị bong tróc, rơi từng mảng khi mưa bão, Công ty LIDECO đã chi gần 1 tỷ đồng để... bắn đinh vít lên tất cả các tấm gạch ốp lát". Để xác thực thông tin do ông Cường cung cấp, chúng tôi đã cất công đến hỏi một chủ kinh doanh vật liệu xây dựng, ông này cười ngất và cho hay: "Với số tiền một tỷ đồng, họ có thể mua đinh vít để dùng cho... cả khu đô thị. Nếu chi phí bắn đinh vít lên từng viên gạch ốp mà mất ngần ấy tiền, CĐT có thể dùng số tiền đó mua gạch ốp lại toàn bộ mặt ngoài tòa nhà?".
Xung quanh khiếu nại của cư dân về việc CĐT chiếm dụng tầng kỹ thuật và phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà làm văn phòng hoạt động riêng của công ty, trả lời câu hỏi của PV: Theo thiết kế ban đầu, tòa nhà N09-B1 có được bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân? Ông Cường trả lời "chắc nịch": "Không có. Khi được thành phố giao đất để xây dựng Khu đô thị mới Dịch Vọng, chúng tôi đã bố trí một khu sinh hoạt cộng đồng chung cho toàn bộ cư dân khu đô thị mới tại nhà C2. Việc sử dụng tầng 2A làm văn phòng của công ty được thực hiện theo đúng quy hoạch...". Song, trái với khẳng định của ông Tổng Giám đốc LIDECO, theo tài liệu chúng tôi có được thì từ kết quả thẩm định thiết kế cơ sở số 1985/SXD-TĐ ngày 15-10-2007 của Sở Xây dựng trình UBND TP Hà Nội, dự án nhà ở cao tầng N09-B1 có bố cục mặt bằng sử dụng như sau: Tầng hầm bố trí khu để xe ô tô, xe máy và các phòng kỹ thuật. Tầng 1 và 2 bố trí khu dịch vụ và sinh hoạt cộng đồng. Từ tầng 3 - 17 bố trí căn hộ nhà ở độc lập khép kín. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì, khi tòa nhà hoàn thiện và đưa vào sử dụng, hồ sơ hoàn công của tòa nhà lại thể hiện tầng 2A đã được CĐT "hô biến" thành hai dãy văn phòng lớn, riêng phòng sinh hoạt cộng đồng được giữ nguyên theo đúng thiết kế ban đầu. Tuy được hiển thị trong cả thiết kế cơ sở và hồ sơ hoàn công, nhưng trên thực tế phòng sinh hoạt cộng đồng với diện tích trên 200m2 không được CĐT bàn giao cho BQT và cư dân tòa nhà mà được trưng dụng làm phòng ăn và phòng thể thao cho nhân viên công ty.
Trước những kiến nghị của người dân về khoản "lệ phí" lên tới 0,5% tổng giá trị hợp đồng khi làm "sổ đỏ", ông Lê Minh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty thừa nhận: "Với các trường hợp cư dân có nguyện vọng tự đi xin cấp GCN, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý. Với những hộ dân giao cho chủ đầu tư tự đi làm, chúng tôi thu thêm một khoản phí 0,5% trên tổng giá trị hợp đồng để trả chi phí làm thêm giờ, tăng ca... của nhân viên, phục vụ công tác làm GCN. Hiện công ty đã thu 90 hồ sơ của các hộ dân, trong đó khoảng 50 chủ hộ đã nộp phí tăng thêm. Sau khi nhận được kiến nghị của cư dân, chúng tôi sẽ liệt kê danh sách các khoản quyết toán, số tiền thừa ra sẽ được trả lại cho các hộ dân...". Cũng theo ông Tuân, bước đầu Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm đã trả lại khoản phí trên cho một số hộ dân, nhưng khi PV yêu cầu nêu tên chủ hộ và địa chỉ cụ thể, cũng giống như ông Ân, ông Tuân lại trả lời "không nhớ!".
Rõ ràng những khiếu nại của cư dân tòa nhà N09-B1 đối với CĐT là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm là hoàn toàn có cơ sở. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác minh làm rõ, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.