(HNM) - Chiều Chủ nhật, thấy các chú bác bên nội đến nhà bàn chuyện tuần tới về quê, bé Cẩm Li (học lớp 5, ở phố Trịnh Hoài Đức) năn nỉ xin bố cho đi cùng.
- Không được, con còn phải đi học mà. Mới lại, về quê dịp Thanh minh, tảo mộ chứ có phải đi chơi đâu - Ông bố nhíu mày.
- Con biết rồi, thì là Tết Thanh minh, bố cho con đi chơi Tết với...
- Không phải "tết" Thanh minh, mà là "tiết". "Tiết" là khoảng thời gian phân định trong âm lịch, Thanh minh là một tiết vào cữ đầu tháng 3 âm lịch...
- Thì Thanh minh cũng là Tết mà!
- Ai bảo con thế?
- Con vừa xem trên ti vi trưa nay, cô dẫn chương trình về một cuộc thi nói đáp án có 12 chữ cái là "Tết Thanh minh" mà...
"Thật thế à?" - Ông bố đang tròn mắt ngạc nhiên nhìn mọi người bán tín bán nghi, thì bà mẹ và cả mấy chú em cũng gật đầu "đúng như bé Li nói đấy, tụi em cũng vừa xem ti vi mà...".
Thế là chuyện về quê tảo mộ của cả nhà bỗng nhiên chuyển sang chủ đề các tiết, khí trong năm. Ai cũng biết, theo âm lịch, một năm được chia thành 24 tiết và vẫn in trên lịch "blốc", ví dụ các tiết "Lập xuân", "Vũ thủy", "Kinh trập", "Xuân phân", "Thanh minh", "Cốc vũ"... Và đó gọi là "tiết" chứ chưa bao giờ thấy nói là "Tết". Không lẽ cứ theo ti vi, thì cả 24 tiết kia cũng là Tết cả?!
"Chẳng lẽ trên truyền hình lại nói Thanh minh là "Tết"? - Ông bố lẩm bẩm một mình.
- Vâng, thì bố cứ hỏi tất cả mọi người, những ai đã xem ti vi trưa nay xem - Bé Li hồn nhiên quả quyết.
Kể lại chuyện trên với Người Xây Dựng, ông chỉ nói: "Chưa biết sai đúng do đâu, nhưng một "sân chơi" trên màn ảnh nhỏ, nhất lại cho học sinh, lứa tuổi đang háo hức tìm hiểu kiến thức, rất cần sự tỉ mỉ, thận trọng và chính xác".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.