Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết sớm trên triền núi Ba Vì

Nguyễn Mai| 29/01/2014 06:39

(HNM) - Khi những nương đao, đót vào mùa thu hoạch, đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì lại rộn ràng đón Tết.



Ở vùng sơn cước - nơi xa nhất, cao nhất của Thủ đô, ngày Tết của 450 hộ đồng bào dân tộc Dao đã kéo dài suốt tháng Chạp. Họ làm Tết cúng ông bà tổ tiên rồi mời anh em họ hàng đến chung vui, hết nhà này lại sang nhà khác. Cứ vậy, mùa du Xuân, ăn Tết đến với bản Dao thật sớm và cũng trôi thật lâu, thật chậm.

Đồng bào người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Ảnh: Trần Hải


Rời phố phường ồn ào, náo nhiệt, chúng tôi tìm đến bản Dao để khám phá cái Tết lạ ở giữa núi rừng Ba Vì. Cách trung tâm thành phố ngót trăm kilômét, bản Dao nằm bên kia sườn Tây của đỉnh núi Ba Vì. Qua con Dốc Sổ ngoằn ngoèo, hiểm trở, xã Ba Vì hiện ra trước mắt với những nương đao, dong riềng vàng óng đang vào kỳ thu hoạch. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Trương Trung Liên cho biết: Ngày xưa người Dao chỉ biết phát nương làm rẫy và sống rải rác trên đỉnh núi, tách biệt hoàn toàn với cộng đồng. Quẵng năm 1963, đồng bào Dao đã "hạ sơn" về đây, sống tập trung thành bản, thành làng được người dân 2 xã Minh Quang và Ba Trại "nhường cơm, sẻ áo" cắt cho 21ha ruộng để trồng lúa. Bây giờ, đồng bào dân tộc Dao ở Ba Vì còn có nghề thu hái và chế biến thuốc nam, trên các sườn đồi, bà con còn trồng kín dong riềng, sắn, đót… cuộc sống đã khác xưa nhiều.

Trong căn nhà kiên cố, bà Đặng Thị Bình thôn Hợp Nhất khoe với chúng tôi, vụ đót này, nhà thu hoạch được 3 tấn, bán được 3 triệu đồng. Ngoài trồng đót, gia đình thuê lại 3 sào đất bên xã Minh Quang để cấy lúa và nuôi 5 con trâu, 5 con lợn… nên kinh tế cũng tạm ổn. Cạnh đó, trong ngôi nhà ấm cúng của mình, anh Dương Trung Phong nói: “Năm nay sẽ ăn Tết to! Năm nay là năm đầu tiên con gái tôi đang học trường cao đẳng sư phạm mầm non dưới Hà Nội về nhà ăn Tết nên cả nhà vui lắm! Vừa rồi, nhà thu hoạch được 4 tấn đót, bán được 4 triệu đồng. Gia đình đã chuẩn bị một con lợn 30kg, 3 con gà và làm thật nhiều bánh dầy để cúng trả lễ đầu năm - cảm tạ ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi, con cái học hành giỏi giang".

Trên đường từ thôn Hợp Nhất về trụ sở UBND xã, chúng tôi gặp bà Triệu Thị Yên, 70 tuổi. Hỏi về Tết, bà cho biết: Kinh tế vẫn còn khó khăn lắm! Nhà năm nay không nuôi được lợn, nhưng Tết vẫn phải đi chợ sắm cho đủ. Chỉ ăn Tết một ngày thôi, nhưng ăn hết nhà mình rồi lại đi ăn Tết nhà anh, chị, em… nên Tết sẽ kéo dài cả tháng. Ở bản Dao này, nhà ăn Tết sớm mổ lợn từ mùng 2 tháng Chạp và cứ thế kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Không chỉ ăn Tết, chơi Tết dài người Dao ở Ba Vì còn giữ một nét văn hóa độc đáo là Tết Nhảy, cũng là lễ hội nhảy múa nhộn nhịp, náo nhiệt nhất của người Dao trong năm. Mặc dù không phải năm nào, gia đình nào cũng làm Tết Nhảy (thông thường 20 năm, một hộ của người Dao mới làm Tết Nhảy một lần, tùy theo điều kiện). Nhưng mỗi gia đình, mỗi dòng họ làm Tết Nhảy thường mời cả bản tham gia tạo không khí náo nức, rộn ràng, trở thành nghi lễ cộng đồng của cả thôn bản. Trong Tết Nhảy người Dao nơi đây thường chuẩn bị gạo thơm, lợn béo, rượu nếp để làm cỗ cúng kéo dài suốt ba ngày ba đêm, mọi người vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, thay phiên nhau nhảy múa thâu đêm suốt sáng.

Ba Vì là xã vùng sâu, vùng xa, thuộc diện nghèo khó nhất Thủ đô. Xã có 3 thôn, 2.100 nhân khẩu với chừng 450 nóc nhà. Người Dao ở đây không sống xen kẽ với các dân tộc anh em mà chỉ thuần nhất thuộc nhóm Dao Quần chẹt với các họ: Dương, Lý, Bàn, Đặng, Phùng, Lăng, Triệu chiếm 98% dân số. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lăng Văn Hà, những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất nên đời sống người dân có nhiều đổi thay. Song do thuộc vùng sâu, vùng xa, nhận thức còn nhiều hạn chế nên "bản Dao" vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Toàn xã không còn hộ đói nhưng vẫn còn 180 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 40%; 108 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 24%.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lăng Văn Hà nói xã Ba Vì có khoảng 16-17km giao thông nhưng mới chỉ có vài ba kilômét đường liên xã được cứng hóa, còn lại là đường mòn hình thành từ xa xưa. Yên Sơn là bản xa nhất của xã Ba Vì, đoạn đường từ bản này về xã vẫn là đường đất, đường rừng. Theo Chủ tịch HĐND xã Lý Văn Thọ, đại đa số hộ dân nơi đây thuộc diện nghèo và cận nghèo, cái ăn còn chưa đủ nên chuyện làm đường là điều không thể, chỉ biết trông cậy vào Nhà nước.

Mới đây, người dân thôn Hợp Nhất, thôn đầu tiên trên địa bàn xã được đón nhận niềm vui khi Nhà nước đầu tư tuyến đường giao thông trục chính từ trạm y tế xã về thôn dài hơn 3km. Trên con đường còn đang ngổn ngang đất đá đào đắp, san ủi, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lăng Văn Hà không giấu được niềm vui: Đường cũ chỉ rộng 3m, khi có chủ trương làm đường mới, mỗi hộ dân hai bên đường chạy qua đã tự nguyện giao hàng chục, hàng trăm mét đất để mở rộng thành 5m, bảo đảm xe ô tô vào được. Tết này, người dân trong thôn sẽ có đường bê tông. Con đường sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Đất trời vào xuân. Bản Dao Ba Vì trở nên tưng bừng và lung linh bởi những điệu múa như hư như thực trong tiếng kèn, chiêng, trống, rộn ràng. Chợt nhớ tới lời Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến khi đưa chúng tôi lên "bản Dao": Chúng tôi đang tính toán để xây dựng làng văn hóa dân tộc trên vùng đất này theo hướng du lịch cộng đồng. Một kho tàng văn hóa với những Tết Nhảy, lễ cấp sắc, cùng với con người mộc mạc, những bài thuốc bí truyền trong một không gian hoang sơ, thơ mộng giữa núi rừng Ba Vì… cần được khơi dậy, khai thác để làm giàu cho chính đồng bào...

Tết đã đến, Xuân đã về. Trên những triền núi cao Ba Vì, những cành đào rừng đã bắt đầu khoe sắc. Hy vọng những dự định, dự án sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, làm vơi đi những khó khăn, xóa đi những vất vả, đói nghèo trên bản làng người Dao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết sớm trên triền núi Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.