Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết ông Công, ông Táo: Nhân lên những giá trị tốt đẹp

Hà Hiền - Thanh Hiền| 20/01/2017 06:51

(HNM) - Hôm nay, 23 tháng Chạp, theo truyền thống, nhà nhà sắm sửa lễ vật cúng tiễn ông Táo về trời

Sự tích "ông Công, ông Táo" và ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp có nhiều cách hiểu và lý giải. Nhưng cứ đến ngày này, nhà nhà dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sạch sẽ, trang nghiêm, sắp mâm cỗ mặn, mua vàng mã, cá chép, hương hoa... tiễn ông Táo về chầu trời. Vì thế, thị trường hàng hóa, lễ vật cúng Táo quân khá phong phú, sôi động. Ngày 19-1 (22 tháng Chạp), phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại phố Hàng Mã (Hà Nội) và ghi nhận, lượng người đến đây mua sắm vàng mã đông hơn hẳn ngày thường. Đầu phố, lực lượng chức năng phải ngăn các phương tiện vào phố để tránh ùn tắc giao thông. Dù nhu cầu tăng cao nhưng nhiều cơ sở kinh doanh trên phố Hàng Mã vẫn bán hàng đúng giá niêm yết. Giá một bộ lễ cúng Táo quân cỡ nhỏ từ 35.000 đồng đến 50.000 đồng; cỡ lớn từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Theo chị Thu Trang (phố Hàng Mã), tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khoảng 30.000 đồng/vật phẩm; một số đồ lễ như nến, hương nén giá bán không đổi so với ngày thường; hương sạch hiệu Đông Thành có giá 110.000 đồng/hộp to, loại có tàn là 40.000 đồng/hộp 100 nén… Chị Thu Trang cho biết, Tết ông Công ông Táo năm nay vào thứ sáu nên nhiều người đã tranh thủ đi sắm đồ cúng từ thứ bảy, chủ nhật trước đó. Bình quân mỗi ngày, cửa hàng chị phục vụ hơn 200 lượt khách.

Ngoài phố Hàng Mã, thị trường vàng mã ở các chợ, cửa hàng và ngay các gánh hàng rong cũng sôi động không kém. Tại chợ Hà Đông, bà Nguyễn Thị Ánh cho biết, vàng mã năm nay có rất nhiều mẫu mã, chủng loại, song người dân vẫn chuộng mua vàng mã truyền thống với giá cả phải chăng. Tương tự những năm trước, cá chép - "phương tiện" đưa ông Táo lên chầu trời theo quan niệm dân gian rất đắt hàng. Bộ 3 con cá chép vàng có giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng.

Bên cạnh thị trường vàng mã, các loại trái cây, hoa tươi, gà, bánh chưng, xôi, giò cũng được người tiêu dùng chọn mua nhiều, nhưng giá không tăng so với ngày thường. Tương tự, giá các loại rau xanh như su hào, bắp cải, xà lách, rau thơm… cũng không biến động nhiều. Riêng thực phẩm tươi sống, đồ khô tại một số chợ cóc tăng nhẹ; măng khô, nấm hương có giá 250.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng; miến 20.000 đồng/bó 3 lạng, tăng 3.000 đồng.

Theo phong tục, sau khi cúng lễ, các gia đình hóa vàng mã, chân hương; thả cá chép xuống ao hồ, sông, suối. Để bảo vệ môi trường, các ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, nhóm thanh niên tình nguyện đã ra quân tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân. Em Nguyễn Đức Anh, Câu lạc bộ Tình nguyện "Ông Táo ghét túi ni lông 2017" cho biết, hàng chục thanh niên của Câu lạc bộ sẽ đạp xe quanh hồ Thiền Quang (Hà Nội) tuyên truyền người dân không đổ tro hóa vàng, túi ni lông và đồ khó phân hủy xuống hồ; đồng thời tham gia vệ sinh hồ từ 13h30 đến 17h ngày 20-1 (23 tháng Chạp). Ngày 22 và 23 tháng Chạp, Quận đoàn Hà Đông phối hợp với Đoàn thanh niên các phường, trường học trên địa bàn phân công đoàn viên túc trực tại khu vực cầu Đen, cầu Trắng, hồ Văn Quán và một số địa điểm khác để nhắc nhở người dân "thả cá, không xả rác", bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, quận Hà Đông còn bổ sung một số thùng rác di động dọc sông Nhuệ và xung quanh các ao, hồ lớn; tổ chức lực lượng thu gom rác thường xuyên. "Trước đây, người dân thường thả cá kèm túi ni lông và vứt mọi thứ xuống sông, hồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thông qua các đợt tuyên truyền, đặc biệt là việc nhắc nhở trực tiếp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân những năm qua đã tăng rõ rệt" - Bí thư Đoàn phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông Lê Thị Vân Anh khẳng định. Hệ thống Đài Truyền thanh các xã, phường trên địa bàn Hà Nội cũng thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về ý nghĩa ngày Tết ông Công, ông Táo kết hợp với việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan.

Không chỉ có ngày "tiễn" Táo quân lên trời, mà trong tất cả các dịp lễ, Tết và hoạt động thường nhật, người dân nên có ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, có suy nghĩ tích cực, làm việc thiện, để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Không nên đốt nhiều vàng mã, phóng sinh gây ô nhiễm môi trường

GS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, cúng Táo quân là tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người làm việc thiện, sống tích cực. Do đó, việc sắp lễ cúng Táo quân cốt ở tâm thành, không nhất thiết phải sắp lễ thật to, đốt thật nhiều vàng mã. GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, đốt nhiều vàng mã không những gây lãng phí, tốn kém mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Phóng sinh cá chép vốn mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện lòng nhân ái của người Việt, nên hành động này cần được thực hiện một cách thành kính, văn minh. Việc cho cá vào túi ni lông rồi vứt xuống nước khiến cá khó sống, vừa làm mất đi ý nghĩa phóng sinh tốt đẹp, vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng quan điểm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Liên Phái (Hai Bà Trưng) khuyên người dân thả cá chép nên tuân thủ nếp sống văn hóa, văn minh, không vứt túi ni lông bừa bãi, không vứt xuống sông, hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết ông Công, ông Táo: Nhân lên những giá trị tốt đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.