(HNM) - Gần Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, thị trường hàng nông sản, thực phẩm trở nên sôi động, rất khó kiểm soát.
Cuộc chiến gian nan
Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt là các loại bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, rượu, thịt, gia cầm và rau củ quả thường tăng mạnh. Đó là một thách thức đối với cơ quan quản lý bởi trong thời gian gần đây, vấn đề thực phẩm độc hại, quá hạn sử dụng, có sử dụng hóa chất đang trở thành mối lo cho người tiêu dùng khắp cả nước. Sự thể rất phức tạp bởi tư thương không từ thủ đoạn nào để kiếm lời, bất chấp hậu quả có thể khiến người tiêu dùng bị hủy hoại về sức khỏe. Chẳng hạn, mới đây, cơ quan thú y TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 12 tấn thịt bò nhập ngoại đã hết hạn sử dụng từ 2 năm. Điều gì xảy ra nếu số hàng quá hạn này không được tiêu hủy kịp thời, trở thành nguyên liệu chế biến thịt bò khô và đưa ra thị trường trong dịp Tết sắp tới?
Thị trường thực phẩm ngày càng trở nên khó kiểm soát. |
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho rằng, số đơn vị kinh doanh thực phẩm được phân chia thành ba loại, bao gồm những đơn vị lớn, đơn vị vừa và điểm kinh doanh nhỏ lẻ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, có thể thấy những đơn vị kinh doanh lớn theo tiêu chí bền vững thường ít có sai phạm. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ có lối làm ăn "chụp giật", muốn thu lợi nhanh nên sẵn sàng vi phạm quy định về ATVSTP.
Người tiêu dùng và nhà quản lý có lý do để lo ngại về tình hình ATVSTP trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán. Vấn đề không chỉ liên quan đến lưu lượng hàng hóa, thực phẩm tăng đột biến trong dịp Tết, mà còn bởi sự vi phạm ngày càng tinh vi.
Kêu gọi người dân cùng phát hiện thực phẩm "bẩn"
|
Trong thời gian gần đây, công tác thanh - kiểm tra ATVSTP đã được đẩy mạnh, nhiều vụ vi phạm đã bị đưa ra ánh sáng và có những nơi đã bị xử phạt hành chính lên tới 60-100 triệu đồng. Một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã bị tước giấy phép kinh doanh, bị công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và tẩy chay cơ sở cung ứng loại sản phẩm không đạt chất lượng.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, số cơ sở bị xử lý do vi phạm quy định về ATVSTP trong thời gian qua chưa phản ánh đúng tình trạng vi phạm và mức độ vi phạm. Trên thực tế, cơ quan chức năng chưa thể phát hiện, xử lý đầy đủ đối với các cơ sở vi phạm, điều đó có lý do, cả chủ quan và khách quan. Hiện nay, mức đầu tư cho công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình ATVSTP còn thấp, thiếu phương tiện, thiết bị cần thiết để giám sát, kiểm tra, thẩm định, xét nghiệm thực phẩm, nhất là ở khu vực cửa khẩu, địa bàn đông dân cư, nơi có nhu cầu sử dụng nhiều thực phẩm. Hơn nữa, "lực lượng cán bộ thanh tra chất lượng ATVSTP không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn, nên việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn", ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Công tác bảo đảm ATVSTP hiện còn nhiều hạn chế, thực phẩm có độc, thức ăn "bẩn" vẫn được tiêu thụ ở nhiều nơi, điều đó do một phần lỗi của người tiêu dùng. Theo ông Lâm Quốc Hùng, nhiều người tiêu dùng không có ý thức tự bảo vệ mình, dù nhìn thấy hàng ăn bày bán thực phẩm ngay bên cống rãnh nhưng vẫn mua hàng. "Rõ ràng, người tiêu dùng quyết định sự tồn tại của các cơ sở kinh doanh. Nếu nhìn thấy bẩn mà khách không mua, không ăn thì chắc chắn chủ kinh doanh sẽ phải tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì vậy, người tiêu dùng cần kiên quyết nói không với thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc trên bao bì thiếu nhãn mác. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để vận động người dân từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm", ông Lâm Quốc Hùng nói.
Tình hình nói trên đòi hỏi có giải pháp đặc biệt nhằm bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATVSTP thành lập 9 đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra tình hình bảo đảm ATVSTP tại 24 tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có cửa khẩu. Từ ngày 25-12-2013 đến 25-2-2014, hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSTP được tiến hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm có dấu hiệu vi phạm, nhất là những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, làng nghề truyền thống, các cơ sở bị phát hiện có vi phạm trước đó.
Theo các chuyên gia về bảo đảm ATVSTP, trong bối cảnh lực lượng thanh tra còn mỏng, điều kiện phục vụ công tác này còn hạn chế thì ngoài "chiến dịch" tổng kiểm tra trên diện rộng, lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các địa phương cần tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Điều quan trọng là huy động sự tham gia của chính quyền cơ sở và người dân nhằm phát hiện những cơ sở kinh doanh thực phẩm "bẩn", sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phối hợp giữa các ngành liên quan, mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.