Trong tháng 1/2016 tàu ngầm Hoàng Sa sẽ được thử nghiệm lần cuối tại hồ nước khu công nghiệp Vĩnh Trà – Thái Bình. Sau đó, tàu sẽ được đưa lên để hoàn thiện lại một số bộ phận kỹ thuật trước khi ra biển vào tháng 2.
Ngày 16/1, trao đổi với PV, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa – chủ nhân của tàu ngầm Hoàng Sa cho biết, ông đang tiến hành thay đổi một số thiết kế của con tàu để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm sắp tới trên biển.
Cụ thể, bộ điều khiển của con tàu sẽ được thiết kế và thay mới toàn bộ theo hướng tối giản, thuận tiện cho người lái, đảm bảo tốc độ tối thiểu của tàu là 7 hải lý/giờ. Điều đặc biệt, con tàu không chỉ có thể dùng cho việc dò phát hiện vật thể, giúp tìm xác, cổ vật mà còn mở ra một triển vọng mới về du lịch, khám phá đáy biển.
Ông Hòa cho biết, trong tháng 1/2016 tàu ngầm Hoàng Sa sẽ được thử nghiệm lần cuối tại hồ nước khu công nghiệp Vĩnh Trà – Thái Bình. Sau đó sẽ được đưa lên, hoàn thiện lại một số bộ phận kỹ thuật trước khi ra biển vào tháng 2. Thời gian tới, con tàu sẽ được ông sơn lại màu xanh - màu tượng trưng cho hòa bình. “Trong tuần tới tôi sẽ cho tiến hành thử nghiệm trên hồ lần cuối, nếu không có trục trặc tàu sẽ được sơn sửa và đưa ra biển. Mọi chi tiết và thông số kỹ thuật được tôi cân nhắc và tính toán rất kỹ tránh những sai sót dù là nhỏ nhất”, ông Hòa cho biết.
Ông Hòa cho biết, trong tháng 1/2016 tàu ngầm Hoàng Sa sẽ được thử nghiệm lần cuối tại hồ nước khu công nghiệp Vĩnh Trà – Thái Bình |
Theo doanh nhân người Thái Bình, môi trường biển chịu nhiều tác động, không được ổn định như trong bể. Vì thế, các thiết bị điều khiển phải được thiết kế để đảm bảo khả năng thăng bằng, khả năng chịu áp suất của con tàu. Ông Hòa cho biết thêm: “Không chỉ có thể nổi lên, lặn xuống, tàu còn có thể rẽ trái, rẽ phải và có thể thu và lưu giữ toàn bộ hình ảnh về hệ thống lưu trữ”.
Trước đó, ngày 30/11/2015, ông Nguyễn Quốc Hòa đã thử nghiệm thành công các tính năng cơ bản của con tàu tại hồ nước rộng gần 3ha. Buổi thử nghiệm kéo dài 3 giờ, trong đó doanh nhân người Thái Bình trực tiếp ngồi vào khoang lái để điều khiển. Con tàu lặn nổi nhịp nhàng với độ sâu mặt nước hồ vào khoảng 3m8. Các tính năng như: camera dẫn đường, hệ thống dò quét đáy biển, hệ thống liên lạc tầm xa… đều hoạt động tốt. “Trong buổi thử nghiệm, điều tôi ưng ý nhất là khả năng quan sát của con tàu rất tốt, hình ảnh rõ nét cả bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, việc điều khiển con tàu đứng yên, lập lờ ở giữa mặt nước tôi vẫn chưa ưng ý 100% nên chắc chắn tôi sẽ điều chỉnh lại tính năng này trước khi ra biển” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, tính năng hoạt động của tàu Hoàng Sa tốt hơn rất nhiều so với Trường Sa 1. Tàu có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thủy triều và đi vào khu vực bãi cạn tự vượt ra. Toàn bộ thiết bị, công nghệ chế tạo tàu ngầm được ông Hòa áp dụng theo tiêu chuẩn của các nước như Nhật, Mỹ, Đức. Trong đó, việc thiết kế hệ thống boong kính mất nhiều thời gian nhất, kéo dài hơn 3 tháng: “Việc thiết kế này khá đặc thù bởi phải tính toán để kính vừa có thể chịu được áp suất cao khi lặn dưới đáy biển, lại phải đảm bảo việc quan sát hình ảnh tốt.” - ông Hòa chia sẻ.
Dự án tàu ngầm Hoàng Sa được ông Hòa thực hiện từ tháng 10/2014. Tàu có trọng lượng khoảng 9 tấn, vỏ ngoài được chế tạo bằng thép cường lực cao, bên trong sử dụng động cơ hiện đại. Đặc biệt, tàu có thể hoạt động trong vòng bán kính 400km. Hệ thống đảm bảo sự sống của con tàu kéo dài trong khoảng thời gian 3 ngày, 3 đêm. Ngoài ra, theo thiết kế, tàu ngầm Hoàng Sa có thể vượt qua bùn, bãi cạn nhờ hệ thống vít và trục xoắn ở dưới bụng con tàu. Ngoài dự án tàu ngầm Hoàng Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa cũng đã từng chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1 vào năm 2013 và nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.