(HNM) - Trẻ em đang bị tác động, ảnh hưởng bởi internet; có nguy cơ bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại, lao động sớm, tai nạn thương tích…
Lao động từ nhỏ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Ảnh: Thái Hiền |
- Trước tiên, xin ông cho biết những vấn đề nổi cộm trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay?
- Trong những năm gần đây, nước ta đã có những thành tựu nổi bật trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, trẻ em Việt Nam đang bị tác động, ảnh hưởng bởi internet; có nguy cơ bị lạm dụng, bạo lực, xâm hại, lao động sớm, tai nạn thương tích...
Thống kê từ các địa phương cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước; khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ với 562 em. Lao động sớm ảnh hưởng không tốt đến trẻ em; tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nhân lực, nhưng cả nước vẫn còn khoảng 1,75 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tham gia lao động. 52% trẻ em tham gia lao động đã thôi học, 2,8% chưa bao giờ đi học, số còn lại vừa học vừa làm.
Trước số lượng trẻ em dùng internet gia tăng nhanh chóng (chiếm khoảng 30% tổng số người dùng tại Việt Nam), trẻ em có nguy cơ bị các thiết bị điện tử, mạng xã hội chi phối, tác động. Trên thực tế đã có không ít trẻ em mắc phải chứng “nghiện” mạng xã hội, game online, smartphone, ipad hoặc bị lừa, đe dọa, xâm hại, lộ bí mật đời sống riêng tư trên môi trường mạng…
- Vì sao các vấn đề, vụ việc liên quan đến trẻ em vẫn “nóng”, trong khi nước ta đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ trẻ em, thưa ông?
- Trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em ngày càng được các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội quan tâm. Nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại, mua bán, lạm dụng trẻ em đã được phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Tuy vậy, khi đi sâu vào giải quyết từng vụ việc, không khó để nhận thấy, người thân là đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em nhiều nhất. Trong số các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện từ đầu năm 2018 đến nay, thủ phạm là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ... chiếm 21,3%; là thầy giáo, nhân viên nhà trường chiếm 6,2%; là người quen, hàng xóm chiếm 59,9%.
Thủ phạm là người lạ chỉ chiếm 12,6%. Thực tế này chỉ có thể lý giải là nhiều người lớn, kể cả những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Nguyên nhân khác là do nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu. Cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, mà năm 2017, tổng kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em thông qua ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố đạt gần 147 tỷ đồng. Hệ thống trợ giúp xã hội đối với trẻ em còn thiếu và yếu ở nhiều nơi...
Bảo vệ trẻ em trong môi trường internet là trách nhiệm của gia đình và xã hội. |
- Theo ông, các bên liên quan cần làm gì để tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển?
- Tôi cho rằng, ngay từ bây giờ, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tiếp tục phổ biến Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan. Ngành Giáo dục và Đào tạo nên triển khai sớm chương trình tư vấn, tham vấn học đường, phối hợp với mạng lưới công tác xã hội, chuyên gia trị liệu tâm lý hỗ trợ kịp thời những trường hợp đặc biệt. Nếu điều kiện cho phép, các cơ sở giáo dục, nhất là bậc mầm non nên lắp camera giám sát.
Song song với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân; ban hành cơ chế phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, vai trò của UBND cấp xã cần được nhận diện một cách rõ ràng hơn trong quá trình giải quyết, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong gia đình, cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con cái kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh bạo lực, xâm hại; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Khung pháp lý bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác trẻ em, Cục Trẻ em đã và đang đề xuất, triển khai xây dựng đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025”, “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”...
Trong Tháng hành động vì trẻ em, diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-6 trên phạm vi cả nước, các bộ, ngành chức năng, các tỉnh, thành phố tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nếu gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội cùng vào cuộc đẩy lùi các nguy cơ đối với trẻ em, tôi tin trẻ em sẽ có môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.