Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung phục hồi kinh tế từ năng lực nội tại

Hồng Sơn| 01/10/2021 12:30

(HNMO) - Ngày 1-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tham vấn về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới. Yêu cầu này được đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khiến kinh tế tăng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy; gián đoạn trong lưu thông hàng hóa và chi phí vận tải tăng cao…

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, phần lớn vẫn nhắm vào mục tiêu ngắn hạn và chưa có một chương trình tổng thể, mang tính dài hạn với những giải pháp đồng bộ, thiết thực để khôi phục và từng bước thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Cần phục hồi kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, hội nghị mong muốn tiếp thu ý kiến để Việt Nam tiếp tục chủ trương phát triển kinh tế xanh, quan tâm thỏa đáng đến đời sống người dân…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 8 nhóm giải pháp. Đó là, kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế và xác định đây là giải pháp cấp bách ngay từ đầu năm 2022. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường xúc tiến thương mại. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính thông qua lãi suất, miễn giảm thuế, phí; phát triển chuỗi cung ứng bền vững.  

Tiếp theo, phục hồi và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tập trung đầu tư cho công trình hạ tầng quan trọng. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Cuối cùng là phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhận định, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng trong nước cũng gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, tạo điều kiện mở cửa sớm, góp phần tăng trưởng. Độ phủ vắc xin càng rộng thì kinh tế càng sớm phục hồi.  

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động tận dụng các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam cần mở cửa một cách an toàn, bảo đảm quan hệ thông suốt, lành mạnh giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như cẩn trọng với nợ xấu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phục hồi kinh tế từ năng lực nội tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.