(HNM) - Năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, góp phần rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa các vùng.
Đón Xuân Kỷ Hợi 2019 này, gia đình em Đinh Xuân Nguyên (sinh năm 2005, dân tộc Mường, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Tiến Xuân, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) rất vui vì em đã đoạt Huy chương đồng môn điền kinh (1.500m) tại Hội khỏe Phù Đổng thành phố và được Ban Dân tộc thành phố biểu dương. Học tập tại trường đạt chuẩn quốc gia, thụ hưởng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục, xã hội, kinh tế vùng dân tộc thiểu số miền núi của thành phố nên Nguyên cùng các bạn có điều kiện phát huy tài năng của mình.
Xã vùng cao Tiến Xuân quê em Nguyên từ vùng đất nghèo khó với hơn 60% số hộ là người dân tộc Mường, hạ tầng thiếu thốn, sau gần 11 năm sáp nhập về Hà Nội đã “thay da, đổi thịt”. Xã đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người từ mức 7 triệu đồng/năm (năm 2008) đã tăng lên gần 30 triệu đồng/năm (năm 2018). Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Lịch phấn khởi cho biết, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi của xã đã được xây dựng, tu sửa khang trang, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Những chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống đã tạo đà thúc đẩy phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi của thành phố. Theo Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Thu Hà, năm 2018, cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện đã tổ chức tập huấn cồng chiêng cho hơn 600 người ở các lứa tuổi; thành lập các đội cồng chiêng và dân ca ở 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Mường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết, thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND thành phố, trong những năm qua, huyện được đầu tư 85 dự án phát triển hạ tầng vùng dân tộc thiểu số miền núi, tổng vốn đầu tư là 1.548 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố ban hành nhiều chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như chè Ba Trại, bò sữa Tản Lĩnh, thuốc Nam Ba Vì… tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc. Năm 2019, thành phố tiếp tục khởi động 15 dự án mới với tổng kinh phí 160 tỷ đồng.
Năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp thường xuyên, giúp 490 hộ nghèo xây, sửa nhà, cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…, thành phố đã bố trí vốn thực hiện 47 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (riêng năm 2018 là 100 tỷ đồng).
Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô tiếp tục có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số miền núi đạt 13%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (hơn 3,2%/năm). Hiện có 7/14 xã vùng dân tộc thiểu số miền núi của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, thành phố đặc biệt quan tâm tới vùng dân tộc thiểu số miền núi, có nhiều chính sách thiết thực góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển. Theo kế hoạch, năm 2019, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư nhiều dự án nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng đô thị với nông thôn và miền núi, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.