Trong 5 năm qua, trên địa bàn ba xã miền núi, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 0,84% (năm 2019) xuống còn 0,25% (năm 2023), hộ cận nghèo giảm từ 3,2% (năm 2019) xuống còn 0,99% (năm 2023)...
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại các xã miền núi của huyện Thạch Thất và cảm nhận rõ nơi đây đang thay da đổi thịt. Người dân vui mừng vì sự phát triển toàn diện, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, kinh tế phát triển, nhà cao tầng san sát, chất lượng đời sống người dân nâng cao hơn trước...
Đổi thay từ cơ sở hạ tầng đến đời sống
Bà Nguyễn Thị Mến ở thôn 2, xã Yên Trung, phấn khởi cho biết: “Đời sống người dân mấy năm nay đã đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, trước chúng tôi chỉ biết trồng lúa, ngô, khoai, rau… thì nay, đã biết trồng những loại cây cho giá trị cao hơn, như: Bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam, quýt, thanh long, hoa... Hệ thống đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đúng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Là người uy tín ở thôn 3, xã Yên Bình, ông Đinh Như Môn cho biết, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình, bỏ vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mít, bưởi, nhãn...
“Cùng với đó, người dân cũng thường xuyên quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới; vận động đồng bào tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Chúng tôi vận động nhân dân hiến đất nông nghiệp, đóng góp tiền của xây dựng tuyến giao thông nội đồng chiều dài 1.200m…”, ông Đinh Như Môn nói.
Giai đoạn 2019-2024, nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Trung ương và Hà Nội, kinh tế - xã hội tại ba xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thạch Thất đổi thay tích cực.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện ở ba xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, chủ yếu là người dân tộc Mường, chiếm 94,66% tổng số dân tộc thiểu số của huyện.
Trong những năm qua, Thạch Thất tập trung triển khai thực hiện hiệu quả hai kế hoạch: Số 138/KH-UBND và 253/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2019-2024, Thạch Thất triển khai đầu tư 32 dự án tại ba xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng mức đầu tư là 628.310 triệu đồng. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi, xây dựng chợ, điện chiếu sáng...
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp đã tạo điều kiện để ba xã đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tổng giá trị sản xuất của các xã miền núi đến năm 2023 đạt 2.135.995 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 73 triệu đồng/người/năm (tăng 17 triệu đồng/người/năm so với năm 2019).
Để có kết quả trên, trước hết, do huyện tập trung nguồn lực thúc đẩy kinh tế ba xã miền núi, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng tốt, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, như: Bò (BBB), thâm canh lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, trồng hoa, phát triển kinh tế rừng, trang trại…
Ngoài ra, để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tộc thiểu số, năm 2021, huyện lựa chọn, đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng hồ sơ nghệ thuật trình diễn cồng chiêng của ba xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định… Do đó, 5 năm qua, trên địa bàn ba xã miền núi, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 0,84% (năm 2019) xuống còn 0,25% (năm 2023), hộ cận nghèo giảm từ 3,2% (năm 2019) xuống còn 0,99% (năm 2023)...
Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2024-2029, Thạch Thất tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống người dân; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ du lịch sinh thái, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, nước sinh hoạt nông thôn, hệ thống trường lớp học, nhà bán trú học sinh và hạ tầng phục vụ sản xuất...
Cùng với đó, huyện triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động; xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ IV nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ được tổ chức vào ngày 14-6. Mục tiêu đến năm 2029, thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã trong huyện; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; phấn đấu ba xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.