(HNM) - Như đã đưa tin, ngay sau phiên khai mạc ĐH, chiều 12 và sáng 13-1, các Đoàn đại biểu đã tiến hành thảo luận về các văn kiện trình ĐH toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Các ý kiến của Đoàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đóng góp vào các dự thảo văn kiện đã nêu thẳng vào các vấn đề lớn của phương hướng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển nguồn lực con người… Hànộimới xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết.
Cải cách hành chính tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ảnh: Linh Tâm
Đại biểu Đoàn Hà Nội Phí Quốc Tuấn: Thu hút nguồn nhân lực cao cho lực lượng vũ trang (LLVT)
Tôi hoàn toàn tán thành các nội dung đã nêu cả về mục tiêu, nhiệm vụ, những vấn đề xây dựng lực lượng QĐND Việt Nam, CAND Việt Nam; vấn đề kết hợp giữa quốc phòng và an ninh, kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế. Trong xây dựng LLVT cần có một số lực lượng sớm tiến thẳng lên hiện đại. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển hiện nay, một số nước sử dụng công nghệ vũ trụ, có khả năng tác chiến, tấn công từ ngoài đường chân trời, nếu chúng ta không phát triển lực lượng hiện đại sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, cùng với việc giáo dục, cần bổ sung chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho LLVT.
Đại biểu Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: Có thu hút thì cũng phải có đào thải
Trong 5 quan điểm phát triển với các giải pháp cụ thể và 3 khâu đột phá, đề cập tới phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, thực chất là coi trọng yếu tố con người, vì dù làm gì chăng nữa cũng cần quan tâm phát triển con người. Khâu đột phá thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần xác định, song song với đào tạo nguồn nhân lực mới, phải làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có. Nguồn lực này không kém, chỉ chưa có chính sách tốt khuyến khích, phát huy nội lực. Có chính sách phù hợp, thu hút nhân tài, thì cũng cần có chính sách khả thi đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ chế, chính sách phải đồng bộ, nhất quán, tránh như vừa qua, mỗi nơi một chính sách khác nhau, thực hiện không dễ dàng.
Cũng trong 3 khâu đột phá, có nêu nội dung đánh giá lại việc sắp xếp lại bộ máy. Hiện trạng hợp nhất ở Hà Nội vừa qua đã làm giảm các đầu mối cơ quan, nhưng số lượng cán bộ không giảm. Vì vậy, phải sắp xếp đồng bộ, hoàn chỉnh, tinh gọn bộ máy, rõ chức năng nhiệm vụ với yêu cầu tiết giảm đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu bộ máy không hoàn chỉnh, không thể sắp xếp cán bộ. Đây là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay.
Đại biểu Đoàn Hà Nội Trịnh Thanh Vân: Sức chiến đấu đang là khâu yếu
Sự phân hóa giàu - nghèo trong cộng đồng đang ngày càng rõ rệt, không được giải quyết thì sẽ không tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Kinh tế phát triển nhưng văn hóa không theo kịp. Trong giáo dục, quan tâm đến dạy chữ, dạy văn hóa là tốt, nhưng cũng phải quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Phát triển kinh tế phải quan tâm đến vấn đề xây dựng tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng và thế trận an ninh nhân dân. Đây là vấn đề sống còn của đất nước. Đi đôi với nâng cao tiềm lực quốc phòng, cần phải kiên quyết chống tiêu cực, trong đó đặc biệt là chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Văn kiện nêu, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, tệ tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn ra nghiêm trọng và tinh vi, nhiều vụ việc lớn chưa được phanh phui đấu tranh... Tôi rất đồng tình tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Hiện năng lực lãnh đạo từ TƯ đến cơ sở có thể đáp ứng yêu cầu, nhưng sức chiến đấu đang là khâu yếu. Nhiều vụ việc tiêu cực nảy sinh trong nội bộ nhưng hầu như chưa tổ chức cơ sở đảng nào phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.
Đại biểu Đoàn Hà Nội Trần Xuân Việt: Cần đầu tư một cách khoa học cho nông nghiệp
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng cao, nhiều sản phẩm, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, thiết bị công nghệ mới. Vấn đề này nếu chỉ để nông dân thì không làm được do thiếu vốn và kỹ thuật, không am hiểu thị trường. Vì vậy vai trò của doanh nghiệp (DN) là hết sức quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Kinh nghiệm các nước thành công về sản xuất nông nghiệp là tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho DN để họ đầu tư, hợp tác và hướng dẫn nông dân sản xuất (đặc biệt là các DN thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản).
Về đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần thấy rõ một thực tế là cán bộ nông nghiệp rất vất vả, thu nhập thấp, địa bàn hoạt động là nông thôn, sản xuất nông nghiệp rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh) nên hiện đang rất thiếu. Năm 2010, nhiều trường thuộc ngành nông nghiệp không tuyển được học sinh; có học sinh nông thôn đỗ ĐH nhưng không đủ tiền đi học. Đây là vấn đề cần quan tâm, mạnh dạn có chính sách đầu tư, hỗ trợ, sớm có chính sách thu hút, bố trí cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về cơ sở. Một xã có vài ngàn nông dân nhưng chỉ có 1-2 cán bộ kỹ thuật thì không thể có năng suất cao, không đạt tiêu chí nông thôn mới.
Đại biểu Đoàn Hà Nội Triệu Đình Phúc: Vấn đề nông thôn mới cần được hoạch định trong Chiến lược
Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chúng ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy vậy, tôi đề nghị, vấn đề nông thôn mới cần được hoạch định rõ nét trong Cương lĩnh, vì tầm quan trọng của khu vực nông thôn, nông dân ngày càng nâng lên. Xây dựng nông thôn mới là một chặng đường dài, những năm tới cần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) đã hoạch định rõ các mục tiêu chiến lược, kể cả định tính, định lượng xác định là hài hòa, cơ bản phù hợp. Tôi thấy, trong những lĩnh vực đột phá của chiến lược cần nhấn mạnh hơn, nhất là về thể chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, các khu vực, vùng miền khó khăn.
Đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh Đặng Ngọc Tùng: Đề nghị tổ chức Công đoàn (CĐ) được giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, không giới hạn độ tuổi
Tổ chức CĐ Việt Nam kiến nghị, ĐH xem xét, nơi nào không có tổ chức Đoàn Thanh niên thì CĐ cơ sở được bảo lãnh (không giới hạn độ tuổi của đoàn viên), nhằm giới thiệu, phát triển đảng viên ở các khu vực ngoài quốc doanh. Thực tế, nhu cầu phát triển Đảng trong công nhân rất lớn, cần đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong khu vực này và tổ chức CĐ bảo lãnh cho đoàn viên ưu tú vào Đảng là đúng. Về nguyên tắc, một quần chúng ưu tú muốn vào Đảng phải có hai đảng viên giới thiệu. Nhưng nếu DN ngoài quốc doanh không có đảng viên, không có chi bộ, không có Đoàn Thanh niên, chỉ có tổ chức CĐ, mà chính cán bộ CĐ là người sâu sát, hiểu được công nhân đó có xứng đáng hay không, thì tổ chức CĐ giới thiệu là tốt.
Đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nhân: Thiếu cơ chế bảo đảm phát huy dân chủ
Có nhiều vụ việc tham nhũng không phải do tổ chức đảng và đảng viên tại chỗ phát hiện mà đều do đảng viên cấp dưới, quần chúng hoặc cơ quan báo chí, cơ quan pháp luật phát hiện. Điều đó cho thấy sự yếu kém về sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Có một nguyên nhân là còn nhiều cấp ủy, tổ chức đảng thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Không ít cán bộ lãnh đạo chưa quen với những thông tin ngược chiều, không thích nghe ý kiến khác với ý kiến của mình. Rõ ràng, ta còn thiếu những cơ chế cụ thể, có hiệu lực bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung trong Đảng.
Đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: Tăng cường phân cấp quản lý
Đường lối, định hướng rất đúng, nhưng chúng ta luôn nói là tổ chức thực hiện yếu kém, phương thức chưa đổi mới. Để khắc phục cái đó như thế nào thì tôi thấy cần phải quan tâm tới là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quan tâm đến việc đưa ra đường lối đúng, trên cơ sở đường lối đó, tổ chức thực hiện cho tốt. Hiện hay, hệ thống tổ chức bộ máy từ TƯ xuống cơ sở còn khá cồng kềnh, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy chưa rõ ràng; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của từng cơ quan chưa được chú ý. Do chưa xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, của tập thể và cá nhân đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp nên khi xảy ra sai phạm không biết quy trách nhiệm cho ai, tổ chức nào. Bên cạnh đó, việc phân cấp nhiệm vụ cho cấp dưới chưa bảo đảm tương ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện, bởi còn thiếu sự ăn khớp, đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan nên chưa tạo điều kiện thực tế cho địa phương chủ động cân đối các nguồn lực và các nhu cầu cụ thể của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.