(HNM) - Ngay từ thời điểm đầu năm, Chính phủ đã hạ quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng (GDP) ở mức cao là 6,7%...
Ảnh minh họa: Internet |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình phát triển kinh tế quý I năm nay đạt thành tựu rất ấn tượng, có sự bứt phá khi GDP tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái - là mức cao nhất trong 10 năm qua. Các chỉ số vĩ mô cũng đáng ghi nhận như giá tiêu dùng tăng thấp và trong tầm kiểm soát, sản xuất công nghiệp tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu và mức thu hút đầu tư xã hội gia tăng... Bên cạnh đó, tình hình sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra khả quan, góp phần bảo đảm cung - cầu trên thị trường và an sinh xã hội. Như vậy, nền kinh tế đã bước vào năm kế hoạch 2018 một cách khá suôn sẻ.
Trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu tăng trưởng cũng như bám sát theo chủ trương, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2018. Kịch bản thứ nhất là GDP tăng 6,7% như mục tiêu Chính phủ đề ra cũng được đánh giá là có thể đạt được. Kịch bản thứ hai, GDP sẽ tăng 6,8%, với hy vọng sự đóng góp từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo sẽ tăng mạnh mẽ hơn. Vậy nhưng, mục tiêu quan trọng nhất chính là tận dụng tối đa các cơ hội, khai thác hết tiềm năng, nguồn lực để dồn sức cho tăng trưởng; hướng tới mức tăng trưởng tối đa có thể.
Trong một diễn biến gần đây, một số tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đã đưa ra nhận định, dự báo lạc quan về khả năng tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trên 7%, trong khi các tổ chức khác cũng nhận định lạc quan về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.
Thực tế cho thấy, khả năng tăng trưởng là khá cao và có thể hiện thực hóa mục tiêu 6,7%. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước sẽ khó duy trì trong năm 2018 và mức tăng lũy kế tính qua từng quý sẽ có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là không có yếu tố bứt phá mạnh nhờ sự đi vào hoạt động của một số dự án quy mô lớn. Do vậy, các cấp điều hành, cộng đồng doanh nghiệp nên quan tâm, có biện pháp khắc phục.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, địa phương và hiệp hội ngành nghề tăng cường phối hợp, phát huy tinh thần trách nhiệm; tập trung rà soát, đánh giá khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm, đầu tàu kinh tế cũng như phát hiện dư địa thị trường của các loại sản phẩm để tận dụng khai thác. Mỗi địa phương cần đánh giá đúng thực trạng, nhận diện khó khăn cần tháo gỡ; nhất là xác định địa phương mình cũng như các sản phẩm chủ lực đóng góp được bao nhiêu vào GDP cả nước...
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dự báo tăng trưởng năm 2018 là khả quan, trong đó chủ yếu dựa vào hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và xuất khẩu - đang duy trì sức tăng trưởng khá cao kết hợp với việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ông Lâm cho rằng, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp gồm: Điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; hấp thụ luồng tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của doanh nghiệp phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính kết hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó là tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các sản phẩm xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ bên cạnh việc tăng cường xúc tiến xuất khẩu và thu hút du lịch quốc tế cùng một số dịch vụ có giá trị gia tăng cao như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, logistics...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.