Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung giải quyết quá tải

Thống Nhất| 13/01/2018 07:36

(HNM) - Năm học 2018-2019, Hà Nội vẫn duy trì ổn định phương thức tuyển sinh đầu cấp (gồm tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6) với phương thức xét tuyển. Thách thức lớn đối với các nhà trường là quy mô học sinh ở các độ tuổi đều tăng, nỗi lo quá tải cần được tập trung giải quyết.


Một phương thức, hai hình thức tuyển sinh

Mặc dù đến tháng 7-2018 Hà Nội mới triển khai tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018-2019, song, thời điểm này, công tác phục vụ tuyển sinh đã rục rịch, mục tiêu là chuẩn bị kỹ càng để kịp thời kiểm soát tình hình.

Tuyển sinh trực tuyến mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh.


Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6, đồng thời vẫn duy trì hình thức tuyển sinh truyền thống, phụ huynh có thể đến trường nộp hồ sơ cho cán bộ tuyển sinh. Tuy nhiên, Sở cũng khuyến khích phụ huynh áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến.

“Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm phục vụ tuyển sinh trực tuyến nhằm đem lại nhiều tiện ích hơn, giúp phụ huynh thao tác nhanh, chính xác và bảo đảm tính minh bạch. Sở sẽ quy định thống nhất thời gian tổ chức tuyển sinh trên toàn thành phố, các đơn vị không được phép tuyển sinh sớm hơn quy định. Dự kiến, thời gian tuyển sinh trực tuyến sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 6 và chia thành từng chặng riêng cho từng cấp học; thời gian tuyển sinh trực tiếp bắt đầu từ ngày 1-7-2018” - ông Phạm Quốc Toản cho biết thêm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các nhà trường và phụ huynh đều ủng hộ việc triển khai song song hai hình thức tuyển sinh. Sự băn khoăn chỉ còn là năm nay liệu có sự điều chỉnh về phương thức tuyển sinh hay không. Giải đáp băn khoăn, ông Phạm Quốc Toản cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang xây dựng tờ trình UBND thành phố về công tác tuyển sinh, trong đó giữ nguyên phương thức xét tuyển theo tuyến với tất cả trường mầm non, tiểu học và THCS. Trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh, chỉ những trường có số lượng học sinh đăng ký xét tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu mới được phép áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có quy định chi tiết việc này, tránh tình trạng gây áp lực cho học sinh.

Chuẩn bị công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2018-2019, giải quyết tình trạng quá tải cục bộ tại các địa bàn có nhiều khu đô thị, nhà cao tầng mới xây dựng, trong quá trình rà soát học sinh và tổ chức phân tuyến tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tham mưu với UBND phường, xã, thị trấn lưu ý đến các hộ dân ở các khu đô thị, nhà cao tầng, khu dân cư mới để phân bổ vào các địa bàn dân cư theo địa giới hành chính.



Nguy cơ thiếu trường, lớp

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, quy mô học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng, trong đó, mức tăng nhiều nhất là cấp tiểu học với số lượng học sinh đến tuổi vào lớp 1 tăng khoảng 20 nghìn em. Đây là thách thức không nhỏ với ngành Giáo dục Thủ đô, nhất là trong bối cảnh dân số gia tăng, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, công tác đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất của các nhà trường chưa kịp đáp ứng.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, năm 2017, các nhà trường được đầu tư 290 tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, tuy nhiên, số kinh phí này mới chỉ đáp ứng mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện trên địa bàn huyện còn gần 100 phòng học cấp 4 đã xuống cấp và thiếu 39 phòng học. Theo thống kê sơ bộ, năm học 2018-2019, số lượng học sinh ra lớp ở các độ tuổi tại Ba Vì không biến động lớn, song, sự hạn chế về cơ sở vật chất khiến các trường gặp khó khăn trong bảo đảm chất lượng giáo dục, nhất là với việc chăm sóc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp ngày càng nhiều, nhất là tại các địa bàn như Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh..., nguy cơ thiếu trường, lớp học đang trở thành vấn đề cấp bách. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chưa có trường THCS công lập; Khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) chưa có trường mầm non công lập; phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) chưa có đủ hệ thống trường công lập theo quy định; các phường Hoàng Liệt, Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai) có nhiều khu đô thị mới nhưng chưa đủ trường công lập...

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác nhận tình trạng thiếu trường, lớp có ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã; nhiều nơi sĩ số học sinh ở mức cao, thậm chí tới 55-60 học sinh/lớp. Chuẩn bị cho năm học 2018-2019, Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo đặc biệt quan tâm tới việc tham mưu, đề xuất UBND quận, huyện, thị xã xây dựng bổ sung, cải tạo, mở rộng trường, lớp học; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giải quyết quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.