Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung giải quyết dự án chậm triển khai

Dung - Dương| 09/12/2021 06:11

(HNM) - Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có nhiều dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu là do phải điều chỉnh quy hoạch, chồng lấn quy hoạch, hoặc do năng lực nhà đầu tư không đáp ứng đủ… UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành, địa phương đã và đang nỗ lực tập trung xử lý dứt điểm tình trạng này, không để tồn tại những dự án bỏ hoang chậm triển khai.

Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở tại ngõ 105 đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân) đã dừng thi công từ nhiều năm nay.

Nhiều dự án bỏ hoang

Theo tiến độ, dự án xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở tại ngõ 105 đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân), do Công ty Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà làm chủ đầu tư phải hoàn thành trong giai đoạn 2008-2010. Tuy nhiên, sau 11 năm, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, cây dại mọc um tùm, phần móng của dự án đang xây dựng dang dở, những hàng rào tôn quây xung quanh đã ố màu theo thời gian, cánh cổng sắt khóa im lìm bên cạnh tấm biển ghi tên công trình đã rách nát. Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân tại ngõ 105 đường Trường Chinh cho biết, dự án đã "đắp chiếu" từ nhiều năm nay và trở thành nơi trông giữ xe ô tô.

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, dự án xây dựng khu chung cư để bán và văn phòng cho thuê tại đường Ngụy Như Kon Tum đã được bàn giao đất và dự kiến xây dựng xong trong năm 2013 nhưng chậm triển khai thực hiện. Hoặc tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, dự án Khu đô thị Mỹ Đình 2; dự án Khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc tại Mễ Trì đã bỏ hoang nhiều năm qua… Hay dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) kéo dài suốt 16 năm. Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) cũng chậm tiến độ 11 năm...

Tương tự, hiện địa bàn huyện Mê Linh có 64 dự án chậm triển khai. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Chi Đông tại xã Quang Minh (nay là thị trấn Chi Đông). Theo tiến độ, hết năm 2007 dự án phải hoàn thành, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều hạng mục bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải, cây xanh công cộng, trường học… chưa triển khai.

21 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách tại địa bàn huyện Thạch Thất cũng trong tình trạng “đắp chiếu”. Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, còn 17/21 dự án chưa được khắc phục, do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính và công tác giải phóng mặt bằng triển khai chậm.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Xuân Nguyễn Hồng Quân, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số chủ đầu tư chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc năng lực tài chính hạn chế, được giao dự án song không triển khai. Bên cạnh đó, một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng nên bị chậm tiến độ...

"Hiện lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đất đai của quận và các phường còn thiếu nên việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Qua kiểm tra, phát hiện đơn vị chậm triển khai dự án thì cũng mới dừng ở mức độ kiến nghị xử lý", ông Nguyễn Hồng Quân thông tin.

Cần những giải pháp mạnh mẽ

Đưa ra giải pháp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Xuân Nguyễn Hồng Quân cho biết, UBND quận Thanh Xuân đã làm việc với 16 chủ đầu tư các dự án chậm triển khai để làm rõ nguyên nhân, cũng như hướng xử lý; đồng thời đôn đốc và yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về lộ trình thực hiện dự án. UBND quận cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án...

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, huyện đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội thu hồi, hủy dự án không phù hợp quy hoạch, không có khả năng khắc phục để bảo đảm quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án, cũng như tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Để giải quyết tình trạng dự án chậm triển khai, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND (ngày 21-10-2021) về tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, giám sát, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo xử lý đối với các dự án không thực hiện, kéo dài nhiều năm, không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã gửi Tờ trình số 267/TTr-UBND (ngày 22-11-2021) đề nghị HĐND thành phố xem xét, quyết nghị về việc ban hành Nghị quyết trong đó có quy định mức tiền phạt 1 tỷ đồng với đơn vị và 500 triệu đồng với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại nội thành Hà Nội. Có thể thấy, UBND thành phố đang siết chặt công tác quản lý đất đai với các dự án nhiều năm không triển khai, không để lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng của Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giải quyết dự án chậm triển khai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.