Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung cho mục tiêu tăng trưởng

Hồng Sơn| 22/03/2019 07:57

(HNM) - Nền kinh tế sắp đi qua quý I-2019 và hướng tới mục tiêu hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm 2019...

Thực tế, tình hình hoạt động của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay xuất hiện một số điểm không thuận lợi. Theo bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây, tre đan Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất bất ổn định nên doanh nghiệp phải đối diện với việc tăng chi phí đầu vào trong khi lại khó tăng giá bán thành phẩm. Cùng tình cảnh này, nhiều đơn vị còn đối mặt với khó khăn vì thiếu mặt bằng sản xuất.

Sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế đang có biểu hiện chậm lại từ đầu năm đến nay, khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2019 là khoảng 6,58% so với cùng kỳ năm 2018. Đây có thể là mức tăng thấp so với yêu cầu 6,6%-6,8% năm 2019. Đáng chú ý, một số chỉ tiêu quan trọng đang có xu hướng giảm sút. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng qua chỉ tăng 9,2% trong khi tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 là 13,7%. Về việc này, cần kể đến nguyên nhân khách quan là một số dự án lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn vào xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh đã qua giai đoạn bùng nổ và hiện đi vào giai đoạn khai thác tới hạn. Đơn cử, dự án sản xuất linh kiện điện thoại Samsung ở Bắc Ninh đã đi vào sản xuất ổn định, nên không thể kích đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tăng cao (đạt tốc độ hơn 45% trong 2 tháng đầu năm 2018) mà thay vào đó chỉ đạt tốc độ tăng trưởng là 2,2%.

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Cao Viết Sinh, sự xuất hiện của những dự án quy mô lớn, mới đi vào hoạt động sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Hiện, động lực tăng trưởng có xu hướng dịch chuyển vào miền Trung, nơi có dự án Formosa (Hà Tĩnh) hoặc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) mới đi vào hoạt động, có thể đáp ứng 40% nhu cầu nhiên liệu cả nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thể hiện tinh thần quyết tâm, theo dõi sát sao tình hình và chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cải cách thể chế, tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục vẫn là trụ cột chính để phục vụ doanh nghiệp gia tăng đầu tư và hoạt động hiệu quả hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, động lực cho tăng trưởng năm nay vẫn sẽ đến từ đà tăng trưởng cao trong năm trước, từ hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư mới.

Trên thực tế, việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP trong 5 năm vừa qua đã và đang thu được những kết quả đáng ghi nhận, với mức tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời, phát triển.

Nguồn động lực chủ yếu để tạo ra tăng trưởng năm nay cũng được xác định dựa vào một số yếu tố, gồm sản xuất công nghiệp (nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo) và thu hút đầu tư xã hội cho sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến là nông nghiệp và xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp sẽ là niềm hy vọng, chỗ dựa trực tiếp của mục tiêu tăng trưởng; nhất là dựa vào số doanh nghiệp mới ra đời. Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng qua cả nước đã có thêm 15.979 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn 247 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn bình quân của doanh nghiệp mới đạt 15,5 tỷ đồng/đơn vị, tăng 46,7%; đây là dấu hiệu tích cực.

Tiếp theo, xuất khẩu vẫn sẽ là một động lực quan trọng để tăng trưởng, nhằm mục tiêu kép là thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng trong nước kết hợp mở rộng quy mô thị trường, quảng bá hình ảnh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện, diễn biến xuất khẩu có xu hướng cải thiện khá rõ, bởi đã qua thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua làm nhịp độ xuất khẩu suy giảm tạm thời. Sản xuất nông nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tiếp diễn đà tăng trưởng cao và ấn tượng từ năm 2018, nhờ phát huy tốt cách làm theo tiêu chí xanh - sạch, chủ động cải tạo giống cũng như áp dụng các giống mới có năng suất và chất lượng cao. Sản phẩm nông nghiệp sẽ tiếp tục gánh sứ mệnh thâm nhập vào một số thị trường sức mua lớn như Mỹ, EU, Australia, Canada... để từng bước khẳng định tiềm năng, giá trị nông sản Việt.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân, nếu giữ được sự ổn định về kinh tế - xã hội, nhất là duy trì mức tiêu dùng của người dân một cách hợp lý kết hợp với việc giải quyết tốt thị trường xuất khẩu thì sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, tạo đà tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung cho mục tiêu tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.