(HNM) - Lao động nữ nhập cư phải làm gì để ổn định cuộc sống, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ thế nào để họ có thể tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, có cuộc sống tốt hơn?
Nhiều lao động nữ nhập cư tại Hà Nội được học nghề miễn phí. |
Khó khăn chồng chất
Trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, lực lượng lao động nông thôn, nhất là lao động nữ dôi dư khá nhiều. Một bộ phận không nhỏ lao động nữ dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm.
Theo kết quả nghiên cứu về lao động nữ tại Việt Nam do Mạng lưới Hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) công bố đầu năm nay, lao động nữ chiếm hơn 64% tổng số lao động trong các khu công nghiệp. Các ngành sử dụng lao động phổ thông như dệt may, chế biến thủy sản có tới hơn 70% là lao động nữ... Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, lực lượng này đứng trước nguy cơ mất việc làm do bị máy móc thay thế.
Khảo sát của Tổ chức Plan International Việt Nam về lao động nữ nhập cư cho kết quả tương tự. Hiện nay, 70% số lao động này làm trong khu vực kinh tế phi chính thức chưa có hợp đồng lao động, chưa qua đào tạo nghề.
“Lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/ người/tháng, trong khi nhóm lao động đã qua đào tạo nhận 6,1 triệu đồng/ người/tháng. Nhìn chung, thu nhập của họ chỉ đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu của bản thân. Những người phải thuê nhà và có con nhỏ gặp khó khăn chồng chất”, ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phản ánh.
Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, thị trường lao động Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ với số lượng lớn, đặc biệt các nghề: May mặc, chế biến món ăn, phục vụ nhà hàng, bán hàng, thu ngân, chăm sóc sắc đẹp, giúp việc gia đình… Tuy nhiên, thị trường này chú trọng tuyển dụng người có trình độ, tay nghề, có ý thức kỷ luật nên lao động nữ nhập cư dễ dàng tìm được việc làm nhưng không bền vững.
Điều đó lý giải vì sao khoảng 50% lao động nhập cư ở xã Kim Chung (Đông Anh) và nhiều địa phương khác khẳng định họ khó gắn bó lâu dài với công việc đang làm. Họ mong muốn có công việc mới để ổn định cuộc sống, nhưng bản thân chưa biết phải làm gì. Trên thực tế, sau khi rời nhà máy, xí nghiệp, đa số nữ công nhân đi bán hàng rong hoặc làm các công việc tự do khác; một số không thích ứng được thì về quê làm nông nghiệp.
Phần lớn lao động nữ nhập cư có tuổi đời còn trẻ, phía sau họ là gia đình. Bởi vậy, sự dịch chuyển về việc làm của lao động nữ từ nông thôn ra thành thị kéo theo rất nhiều thay đổi. “Trẻ thơ, người già ở lại quê nhà thì thiếu người quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ; nhập cư cùng lao động nữ thì họ lại bị thiệt thòi khi tiếp cận các dịch vụ công về y tế, giáo dục... Những bất cập này không sớm được khắc phục sẽ gây nhiều hệ lụy”, bà Sharon Kane, Giám đốc Tổ chức Plan International Việt Nam cảnh báo.
Dạy nghề, tạo cơ hội việc làm bền vững
Giúp lao động nữ nhập cư từng bước ổn định cuộc sống, những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể TP Hà Nội đã tạo điều kiện cho lao động nhập cư được thuê nhà trọ với giá rẻ, hỗ trợ con công nhân tới trường; hỗ trợ nhà ở cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng quà, vé tàu, xe cho công nhân về quê ăn Tết…
Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn tạo điều kiện để Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Triển khai từ năm 2016 đến năm 2019, dự án cung cấp thông tin, tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập cho khoảng 2.000 nữ thanh niên nhập cư.
Chị Nguyễn Thị Dung (28 tuổi), đến từ xã Hương Can, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), cho biết, chồng chị mất sớm, lương công nhân tại một nhà máy trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long không đủ nuôi con. May mắn đến khi chị được hỗ trợ học nghề tạo mẫu tóc và chăm sóc da mặt miễn phí. Sau khóa học, chị thôi làm công nhân, mở cửa hàng làm tóc tại xã Kim Chung (Đông Anh). Với nghề mới, chị có thu nhập ổn định, lại có thời gian chăm sóc con nhỏ.
Đánh giá cao hiệu quả dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mong muốn các cơ quan chức năng triển khai nhiều hơn những dự án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ở tất cả khu vực.
Ở góc độ khác, bà Lương Minh Ngọc, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (ISEE) cho rằng, cần thay đổi lối nghĩ sống ở thành phố tốt hơn, có nhiều cơ hội việc làm hơn nông thôn. Trên thực tế, nhiều lao động nhập cư đang trở về nông thôn để làm những công việc mà họ yêu thích. “Cuộc sống tốt thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, không phải chỉ là thu nhập”, bà Lương Minh Ngọc nhắn nhủ.
Có thể khẳng định, ngoài những quyết định đúng đắn cho tương lai, lao động nữ rất cần được các cơ quan chức năng định hướng, hỗ trợ về nhiều mặt. Mấu chốt vấn đề là hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm bền vững cho họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.