Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thuận lợi để nhân dân góp ý với Đảng

Vũ Ngọc Lân| 23/08/2012 06:25

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những kiến nghị của quần chúng". Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Tạo cơ chế thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý với Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên được xem là giải pháp quan trọng quyết định đến hiệu quả của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

LTS: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những kiến nghị của quần chúng". Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Tạo cơ chế thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý với Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên được xem là giải pháp quan trọng quyết định đến hiệu quả của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Bài 1: Khắc phục hạn chế, hoàn thiện cơ chế

Cho đến thời điểm này, tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã triển khai bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Những kết quả bước đầu, đặc biệt là những kinh nghiệm, cách làm của TƯ là căn cứ quan trọng để trong thời gian từ nay đến hết năm 2012, các cấp ủy, tổ chức Đảng (TCĐ) trực thuộc TƯ, các quận, huyện ủy, TCĐ cơ sở cũng như toàn thể đảng viên sẽ tiến hành tự phê bình và phê bình. Trong lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần triển khai công tác tự phê bình và phê bình, trong đó luôn luôn có sự kết hợp chặt chẽ công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng với sự góp ý, phê bình của quần chúng, nhân dân. Cách đây 60 năm, vào ngày 14-2-1952, với bút danh CB, Bác Hồ đã cho đăng trên Báo Nhân Dân bài "Tự phê bình và phê bình", trong đó Người khẳng định: "Từ nay, những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm:

- Đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ.

- Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khăn để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn".

Người đã yêu cầu, trong công tác tự phê bình và phê bình "trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những kiến nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa; "dù phê bình đúng cả hay chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, trang 414).

Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công, cần tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến, phê bình một cách hiệu quả và thiết thực. Ảnh: Linh Tâm

Những năm qua, Đảng ta cũng như các tổ chức, cấp ủy Đảng đã quan tâm, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình của quần chúng, nhân dân đối với Đảng, với cán bộ, đảng viên; góp phần tạo sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, làm nên sức mạnh vô song, lập nên những chiến công hiển hách. Tuy nhiên, cũng có thời gian, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa xây dựng cơ chế, quy định rõ ràng để quần chúng, nhân dân đóng góp xây dựng Đảng cũng như giám sát cán bộ, đảng viên, cho nên khi thực hiện nghị quyết về xây dựng Đảng đã chưa đạt yêu cầu đề ra.

Rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" tiếp tục đề ra chủ trương phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân góp ý xây dựng Đảng "định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội". Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết, BCH TƯ Đảng đã giao cho Ban Dân vận TƯ "Phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trình Bộ Chính trị năm 2012. Ban Dân vận TƯ cũng có trách nhiệm "Phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra việc cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân".

Hiện nay, Ban Dân vận TƯ đang phối hợp thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, cũng phải sang đầu năm 2013 Bộ Chính trị mới có thể ban hành các văn bản, quy định nói trên. Như thế, cũng có nghĩa là việc tham gia góp ý, phê bình của nhân dân với các TCĐ, cán bộ, đảng viên chưa có một quy định thống nhất. Tất nhiên, công tác tự phê bình và phê bình là công việc lâu dài, có thể có những hình thức để nhân dân góp ý với Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên, nhưng rõ ràng cho đến nay, quần chúng, nhân dân vẫn trong quá trình chờ đợi quy chế, quy định về việc này. Chính vì vậy, trong thời gian tiến hành tự phê bình, phê bình các cấp ủy, cán bộ, đảng viên ở các cấp tỉnh, TP, quận, huyện và cơ sở là cấp gần gũi với nhân dân, tiếp xúc nhiều với nhân dân, thì cần có những giải pháp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến, phê bình TCĐ, cán bộ, đảng viên một cách thiết thực, cụ thể, hiệu quả. Bởi vì chỉ có dựa vào quần chúng nhân dân thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công, Đảng ta mới trong sạch vững mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo thuận lợi để nhân dân góp ý với Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.