(HNM) - Bằng nhiều hoạt động thiết thực, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, để chiếm được trọn vẹn niềm tin của NTD, các nhà sản xuất phải tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa hàng về các khu công nghiệp phục vụ công nhân lao động. Ảnh: Thái Hiền |
Tạo hiệu ứng bằng hoạt động thiết thực
Sau 7 năm triển khai thực hiện CVĐ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã cụ thể hóa hoạt động tuyên truyền, vận động sử dụng hàng Việt qua các lễ hội, hội chợ, triển lãm… Trong đó, nổi bật là chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, "Tuần hàng Việt", "Tháng khuyến mãi"... Theo ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, đây là dịp để người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng, uy tín và giá cả hợp lý. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng doanh số bán hàng, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của NTD, kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tư vấn cho NTD chọn sản phẩm chất lượng, đúng thương hiệu.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương CVĐ cho biết, qua những chuyến hàng về nông thôn, các DN đã bán được lượng hàng lớn, doanh thu cao. Điều đó cho thấy, NTD, nhất là ở khu vực nông thôn, luôn mong đợi hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), hàng Việt Nam ngày càng được NTD đánh giá cao và trở thành sự lựa chọn thường xuyên. Nếu trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… thì đến nay, trên các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các tỉnh, thành phố, lượng hàng Việt đã chiếm 80-95%. Không chỉ được NTD trong nước đón nhận, hàng Việt còn xuất khẩu đến 111 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây thực sự là những con số ấn tượng sau 7 năm triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Theo mục tiêu của CVĐ, đến năm 2020, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt. Bên cạnh đó, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội sẽ xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”, tăng thị phần hàng Việt lên hơn 70% qua các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước hết các DN phải chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, ít nhất là bằng so với sản phẩm cùng loại trong khu vực.
Là một trong những DN chủ lực của Hà Nội, tích cực tham gia CVĐ từ những ngày đầu phát động, Công ty TNHH MTV Thống Nhất đã đầu tư thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản lý để tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã bền đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, ban lãnh đạo đơn vị kiên quyết loại bỏ công nghệ sản xuất, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không mang lại hiệu quả để tập trung đầu tư, nâng cấp dây chuyền có công nghệ hiện đại. Đồng thời, Công ty chú trọng mở rộng kênh bán hàng, chi nhánh, đại lý để đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn với NTD.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người dân vẫn băn khoăn về chất lượng của nhiều loại hàng hóa Việt. Bà Nguyễn Thị Hương (phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) nhận xét, chất lượng của nhiều sản phẩm hàng Việt chưa tốt nên NTD không thể ưu tiên sử dụng. Nhiều sản phẩm Việt có uy tín khi xuất khẩu, nhưng cùng nhãn hiệu đó hàng dành cho thị trường “nội” lại thua xa. Do đó, cùng với việc vận động nhân dân dùng hàng Việt, thì việc phát động DN sản xuất nhiều hàng hóa chất lượng cao, giá cạnh tranh là vấn đề cốt lõi nhất.
Bên cạnh đó, thực tế cũng đặt ra yêu cầu phải chú ý những hàng rào kỹ thuật và biện pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Nhà sản xuất làm ra những sản phẩm tốt, nhà phân phối không buôn bán hàng giả, kém chất lượng, nhà quản lý đưa ra những chủ trương tốt, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh và NTD có ý thức tẩy chay hàng hóa không rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng… chắc chắn hàng Việt sẽ có chỗ đứng vững vàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.