(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn khẳng định, quận đã lập lại trật tự đô thị và đang triển khai các giải pháp để duy trì.
- Trước tiên, xin ông cho biết kết quả lập lại trật tự đô thị trên địa bàn quận?
- Hơn một tháng qua, cả hệ thống chính trị của quận Tây Hồ đã vào cuộc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ với tinh thần chủ động, bài bản theo ba bước. Trước hết, quận tăng cường tuyên truyền và đã có 2.900 hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép. Bước thứ hai, lực lượng chức năng phối hợp với các phường tổ chức điều tra cơ bản, xác định những tuyến phố không được trông giữ phương tiện giao thông; kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, đặc biệt chú ý các địa bàn phức tạp về trật tự đô thị, các tuyến xuyên trục; phân loại các hộ kinh doanh không tự giác hoặc cố tình vi phạm. Bước thứ ba, quận và các phường kiên quyết cưỡng chế và xử phạt vi phạm theo hình thức cuốn chiếu đối với những trường hợp không chấp hành; giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông; giải quyết tình trạng người bán hàng rong đeo bám khách du lịch... Lực lượng chức năng đã xử lý 320 trường hợp, xử phạt 240 triệu đồng; thu giữ 844 biển quảng cáo, bàn ghế, ô dù; phá dỡ gần 2.500 bục bệ, cầu dẫn, mái che, mái vẩy; bóc gỡ 2.800 tờ quảng cáo rao vặt…
- Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao những cách làm chủ động, linh hoạt của các địa phương, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Còn tại quận Tây Hồ thì sao, thưa ông?
- Rất mừng là trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ tại địa phương đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Dù địa bàn các phường tập trung nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân khá cao. Vì vậy, trong chỉ đạo, chúng tôi đặc biệt lưu ý các phường kiên trì tuyên truyền, thuyết phục các hộ dân buôn bán, có nhà mặt đường tự phá dỡ phần diện tích vi phạm và nghiêm túc chấp hành chủ trương của thành phố. Và nhiều phường đã khá thành công khi áp dụng biện pháp mềm mỏng vận động, thuyết phục các hộ tự giác chấp hành. Đặc biệt, đối với những địa bàn giáp ranh, các phường đã chủ động phối hợp chặt chẽ từ khâu vận động tới rà soát chống tái phạm, vì vậy kết quả đạt được khá toàn diện, đồng đều.
- Thời gian tới, quận sẽ có giải pháp gì để duy trì kết quả, thưa ông?
- Tiếp tục tuyên truyền gắn với thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm sẽ là biện pháp của quận trong thời gian tới. Hiện tại, quận đang triển khai xây dựng các tuyến phố điểm “văn minh - đô thị” về biển hiệu của các hộ kinh doanh có nhà mặt đường. Chúng tôi đang tập trung vận động và khuyến khích các hộ dân sử dụng một số diện tích đất công không phải vị trí lợi thế để làm các điểm trông giữ phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân… Thực hiện tốt mô hình này sẽ góp phần duy trì kết quả thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ.
- Xin cảm ơn ông!
“Điểm nóng” lấn chiếm hè, đường Vỉa hè và lề đường tại khu vực số 8 đường Trần Phú (quận Hà Đông) vào buổi chiều thường bị nhiều người bán hàng rong lấn chiếm, cản trở người tham gia giao thông (Ảnh chụp hồi 16h45, ngày 9-4). Bùi Tuấn |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.