Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo “sân chơi” công bằng

Bạch Thanh| 27/11/2014 06:17

(HNM) - Trong những năm qua, sản lượng lúa gạo của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên có một nghịch lý là người nông dân trồng lúa không sống được bằng nguồn thu từ cây lúa… Hội thảo

Nhọc nhằn hạt gạo

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, ngành lúa gạo Việt Nam đã phát triển liên tục theo hướng gia tăng sản lượng. Nếu thời gian trước đó, sản lượng tăng một phần nhờ mở rộng diện tích trồng lúa (từ 6.042,8 nghìn héc ta năm 1990 lên 7.666,3 nghìn héc ta năm 2000), thì từ năm 2000 trở lại đây, chủ yếu dựa vào tăng năng suất. Việc mở rộng diện tích trồng vụ 3 ở vùng duyên hải và đầu nguồn sông Mekong đã góp phần quan trọng nâng cao sản lượng lúa của Việt Nam, bù đắp cho diện tích đất lúa mất đi trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự gia tăng sản lượng lúa gần như liên tục trong suốt hơn 2 thập niên vừa qua đã giúp Việt Nam không những bảo đảm an ninh lương thực mà còn liên tục tăng sản lượng xuất khẩu (là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới).

Việt Nam là một trong 3 nước sản xuất và xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Ảnh: Giang Sơn



Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô của ngành lúa gạo Việt Nam thay vì được hồ hởi chào đón như trước đây, đã trở thành mối lo lắng của toàn xã hội. Sản lượng lúa tăng nhưng thu nhập của người nông dân không được cải thiện mà kèm theo đó là nguy cơ đất trồng lúa bị thoái hóa và ô nhiễm. Quá chú trọng đến việc tăng năng suất và sản lượng cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp và kém đa dạng. Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Theo TS Robert Zeigler Tổng Giám đốc IRRI cho biết: Qua khảo sát cho thấy lực lượng tham gia sản xuất lúa ở Việt Nam rất lớn nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ. Nông dân bán tới 93% lúa tươi tại ruộng cho các thương lái. Không có kho chứa, ít vốn, họ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro nhất khi có biến động bất lợi trên thị trường. Sự thiếu vắng của các hình thức tín dụng vi mô khiến nông dân bị phụ thuộc nhiều vào các đại lý cung ứng đầu vào, hoặc tạm ứng của các môi giới/thương lái quen thuộc. Quyết định sản xuất của nông dân hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm, thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp xuất khẩu. Một số nhỏ nông dân tham gia cánh đồng lớn hợp đồng nông sản với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng thể chế bảo vệ lợi ích của nông dân chưa phát triển. Trong khi đó các tổ hợp tác và hợp tác xã tồn tại chưa phát huy được hiệu quả, nông dân còn tâm lý e ngại khi tham gia các tổ chức này.

Một khía cạnh khác của việc nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam là cần giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất để tăng năng suất và áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy đa phần người nông dân đang loay hoay trong thế khó - ở lại làm ruộng thì thu nhập không đủ chi tiêu, ra khỏi ruộng đất thì không có nhiều cơ hội trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này cũng bộc lộ điểm yếu trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, khi khu vực công nghiệp và dịch vụ chưa nhiều sức cầu về lao động nhằm giúp người nông dân rút khỏi đất đai dễ dàng.

6 sáng kiến xây dựng chuỗi giá trị

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nâng cao chất lượng giống lúa, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các nông hộ sản xuất nhỏ. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: Hiện nay giá sàn do Bộ Công thương, Bộ NN & PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Do vậy, cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình. Về các điều kiện sản xuất gạo cũng cần có quy định riêng cho doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như gạo chất lượng cao, gạo đặc sản, sản xuất với số lượng ít. Có như vậy sân chơi mới công bằng, gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín và giá bán.

Được biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", Bộ NN & PTNT đã thảo luận và đề nghị IRRI tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong tái cơ cấu ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung. Sau 6 tháng khảo sát các vùng sản xuất lúa trọng điểm, cuối tháng 9-2014, IRRI đề xuất 6 sáng kiến gồm: Lai tạo giống lúa chất lượng cao và sản xuất thương mại các loại gạo đặc sản đáp ứng nhu cầu nội địa và phục vụ xuất khẩu; xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo; giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo; tiếp cận nông hộ nhỏ sản xuất lúa gạo; đề xuất các chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển lúa gạo chất lượng cao và phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Bộ NN & PTNT và IRRI sẽ thành lập một ủy ban chỉ đạo để giám sát chương trình thực hiện các sáng kiến trên để ngành lúa gạo đóng góp hơn nữa trong việc nâng cao đời sống nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo “sân chơi” công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.