Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tạo ra gameshow thuần Việt là cả quá trình dài"

ANHTHU| 01/11/2007 09:09

(HNM) - Gameshow Đấu trí do VTV3 phối hợp với Cty BHD sản xuất, VNPT tài trợ, đã ra mắt chương trình đầu tiên vào 20h ngày 29-10-2007 trên kênh VTV3. Đây là gameshow mới nhất được mua bản quyền từ nước ngoài của VTV3, sẽ được phát sóng vào tối thứ 2 hàng tuần, thay thế cho “Ai là ai”.

Phần ghi hình gameshow Đấu trí.

(HNM) - Gameshow Đấu trí do VTV3 phối hợp với Cty BHD sản xuất, VNPT tài trợ, đã ra mắt chương trình đầu tiên vào 20h ngày 29-10-2007 trên kênh VTV3. Đây là gameshow mới nhất được mua bản quyền từ nước ngoài của VTV3, sẽ được phát sóng vào tối thứ 2 hàng tuần, thay thế cho “Ai là ai”.

Trong những số ghi hình đầu tiên của “Đấu trí” luôn xuất hiện cố vấn sản xuất cao cấp của Hãng Fremantle Media (Vương quốc Anh), nhà cung cấp bản quyền chương trình này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia người Anh - Howard Huntridge.

- Trước khi cung cấp bản quyền gameshow Đấu trí cho THVN, Fremantle Media đã biết gì về công nghệ truyền hình cũng như khả năng sản xuất gameshow của Việt Nam, thưa ông?

+ Trước đây, Hãng Fremantle Media đã từng cung cấp bản quyền nhiều chương trình cho THVN như Idols, Hãy chọn giá đúng... Do đó, chúng tôi đã phần nào biết được năng lực sản xuất cũng như trình độ phát triển của THVN trước khi cung cấp bản quyền Đấu trí cho VTV.

- Khi quyết định bán bản quyền chương trình truyền hình cho đối tác nước ngoài như Việt Nam, điều gì khiến các ông quan tâm nhất? Văn hóa bản quyền, trình độ sản xuất hay khả năng thích ứng của chương trình đó với thị hiếu khán giả của nước đối tác?

+ Chúng tôi quan tâm đến tất cả vấn đề, từ việc tôn trọng bản quyền đến khả năng sản xuất của đối tác. Tất nhiên không thể bỏ qua thị hiếu khán giả của từng nước... Cộng tất cả lại, chúng tôi mới quyết định cung cấp bản quyền chương trình. Có như vậy thì thương hiệu của chúng tôi mới được phát triển mà uy tín của các bạn cũng được tôn trọng.

- Trong những số ghi hình đầu tiên của gameshow Đấu trí, ông luôn có mặt, giám sát từng chi tiết với tư cách cố vấn sản xuất. Ông nhận xét như thế nào về trình độ sản xuất của THVN?

+ Chúng tôi biết VTV có khoảng thời gian rất ngắn để chuẩn bị và sản xuất chương trình này. Đấu trílà một chương trình phức tạp và liên quan đến công nghệ hiện đại. VTV dường như có “phép màu”, tôi nghĩ thế khi chứng kiến những gì các bạn đã làm trên sân khấu. Việc VTV ghi hình được 5 chương trình trong một đợt ghi hình đầu tiên, trong khi chỉ có 3 tuần chuẩn bị. Đó là điều được đánh giá cao. Tuy nhiên, tôi không bao giờ khuyến khích sự cập rập dù đánh giá cao trình độ sản xuất của VTV. Tôi nghĩ nhữngngườisáng tạo ra format Đấu trí sẽ rất hài lòng khi xem băng phát sóng của VTV sau khi dựng. Hai người dẫn chương trình của VTV (Lại Văn Sâm và Tùng Chi - PV) cũng thật tuyệt vời. Họ tỏ ra rất nhiệt tình, kiên nhẫn và biết thông cảm bởi sự trục trặc của phần mềm vi tính trong suốt thời gian ghi hình.

- Nếu có thể đưa ra một lời khuyên để êkíp sản xuất chương trình của Việt Nam có thể thực hiện chương trình tốt hơn, ông có thể nói gì?

+ Để làm một chương trình truyền hình tốt, chúng ta cần có thời gian, tiền bạc và kỹ năng sản xuất. Tuy nhiên, bạn có thể sản xuất tốt một chương trình nếu có 2 trong số 3 yếu tố này. Thời gian là cần thiết, tiền bạc không thể thiếu, nhưng còn nhiều yếu tố quan trọng như cẩm nang sản xuất, bản sao của chương trình gốc... Để thu hút sự chú ý của khán giả, bạn cần tạo kịch tính cho chương trình và phải bảo đảm ghi được cận cảnh những cảm xúc của người chơi hay khán giả. Hình như THVN có vẻ không mấy quan tâm đến chi tiết này thì phải ?

- Trong những năm gần đây, gameshow đã trở thành một trong những “món ăn” quen thuộc của khán giả xem truyền hình Việt Nam. Thế nhưng phần lớn gameshow này đều có xuất xứ từ nước ngoài. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để ngày càng có nhiều gameshow “made in Việt Nam” ?

+ Với đất nước chúng tôi, việc phát triển chương trình truyền hình theo cách nào còn phụ thuộc vào thị hiếu của người xem. Thật khó cho một người nước ngoài như tôi có thể đưa ra kiến giải cho việc sản xuất chương trình ở một đất nước khác. Điều tôi có thể chắc chắn là việc nhập những format chương trình có tỉ lệ người xem cao ở các quốc gia khác là lựa chọn tốt. Còn nếu muốn phát triển ý tưởng làm gameshow của Việt Nam thì nhất thiết phải kiểm tra nó ở văn phòng, thử nghiệm ở phòng tập, trường quay. Cuối cùng mới đến giai đoạn sản xuất và phát sóng. Nói chung, việc tạo ra một format chương trình truyền hình, chưa nói đến nền công nghệ sản xuất chương trình truyền hình mang đậm bản sắc, là cả một quá trình rất dài, qua rất nhiều bước.

- Xin cám ơn ông!

Anh Bảo thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tạo ra gameshow thuần Việt là cả quá trình dài"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.