Chiều 28-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, chương trình kỳ họp bổ sung 13 nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua; rút khỏi chương trình kỳ họp 4 nội dung.
Như vậy, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước).
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần; khai mạc vào sáng 5-5-2025, dự kiến bế mạc chiều ngày 28-6-2025 và được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5-5 đến 29-5-2025; đợt 2 từ ngày 11-6 đến hết ngày 28-6-2025.
Về việc bố trí thời gian xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua, ông Lê Quang Tùng cho biết sẽ ưu tiên bố trí thời gian Quốc hội xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua cùng một thời điểm đối với các nội dung có liên quan trực tiếp với nhau; rút ngắn thời gian trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra; bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Do kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp lớn, trong đó, rất nhiều luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đề nghị ưu tiên bố trí thảo luận ngay tại đợt 1 đối với phần lớn các dự án luật trình Quốc hội thông qua để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội biểu quyết tại đợt 2 của kỳ họp. Chỉ một số ít dự án luật có số lượng nội dung không nhiều và hầu hết các dự thảo nghị quyết thì bố trí Quốc hội xem xét, thảo luận vào đầu đợt 2 và thông qua vào cuối đợt 2 của kỳ họp.
Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ chín và thông qua tại kỳ họp thứ mười thì bố trí thảo luận vào cuối đợt 2 của kỳ họp. Theo đó, thời gian từ khi thảo luận ở tổ đến thảo luận ở hội trường đối với các nội dung này khoảng từ 2 đến 3,5 ngày.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu bố trí chương trình kỳ họp phải hoàn thành trước ngày 30-6-2025, đồng tình với việc bổ sung 13 nội dung, rút 4 nội dung khỏi chương trình kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần linh hoạt trong thời gian trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra tại kỳ họp; Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.