Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 28-4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Trung Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hơn 150 nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong nước, nước ngoài và các học giả quốc tế.
Dòng chảy sáng tạo đa diện, đa thanh, đa sắc
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa, góp phần khẳng định vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật (VHNT) của kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc đổi mới; lan tỏa và truyền cảm hứng sáng tác về một Việt Nam hòa bình, hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên mới.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền VHNT nước nhà.
Nhìn lại nửa thế kỷ qua, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định, hoạt động VHNT của kiều bào ta ở nước ngoài có nhiều chuyển động, nhưng đều mang khát vọng hòa bình, hòa giải và hòa hợp; tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam; khát khao kết nối với quê hương, chủ động tìm kiếm bản sắc dân tộc như một phần nền tảng để định vị giá trị, chỗ đứng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Họ đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn nghệ nước nhà thống nhất trong đa dạng.
Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phát huy những đóng góp to lớn của VHNT của kiều bào ta ở nước ngoài, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, cần tạo dựng một môi trường thuận lợi, cởi mở nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ kiều bào sáng tạo nghệ thuật gắn bó với cội nguồn dân tộc; chú trọng ghi nhận và tôn vinh văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hình thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, tự tin dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, củng cố mối liên kết bền chặt giữa văn nghệ sĩ kiều bào với quê hương Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, cần triển khai các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần đột phá trong các nghị quyết mới của Đảng; tăng cường hợp tác giữa đội ngũ VHNT trong nước và ngoài nước thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là kết nối trên nền tảng số…
Đánh giá về sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ gốc Việt ở nước ngoài sau năm 1975, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, có sự đa diện, đa thanh, đa sắc. Đặc biệt, những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, “văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài” cũng được xác lập. Họ sáng tạo VHNT, nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật VHNT bằng tiếng Việt hoặc các tiếng Anh, Pháp, Nga và bản ngữ nơi họ sinh sống.
“Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt… khi mạnh mẽ, cồn cào, lúc âm thầm, da diết. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cùng với sáng tác, giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị VHNT ở trong nước với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài nửa thế kỷ qua được tăng cường, mang lại kết quả đáng mừng. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị…
Cây cầu kết nối Việt Nam và thế giới
Hội thảo đã nhận được 60 tham luận của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước. Riêng ở nước ngoài có đại diện tại các nước và vùng lãnh thổ: Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Đức, Czech, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thụy Điển, Ukraine, Thái Lan…
Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển VHNT qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình VHNT; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập.
Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.
Lấy ví dụ về các bộ phim nổi bật của đạo diễn gốc Việt ở nước ngoài như Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hồ Quang Minh, Phạm Thiên Ân…, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, những tác phẩm điện ảnh hay VHNT xuất sắc là cây cầu hiệu quả nối Việt Nam với thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan nên thu hút nhiều người Việt có tài đang sống ở nước ngoài cùng “làm văn hóa”. Vì bản thân cuộc sống của họ đã cho họ kinh nghiệm “quốc tế hóa” màu sắc Việt Nam dễ dàng hơn những người chỉ sống ở trong nước, đồng thời sản phẩm văn hóa của họ thường có điều kiện phổ biến rộng rãi, liên tục hơn. “Điều quan trọng là phải khơi gợi được “hồn dân tộc”, trách nhiệm đối với đất nước của những người con sống xa quê hương, để chung sức tạo một “làn sóng Việt Nam” trong điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
PGS.TS Phùng Ngọc Kiên, giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đi sâu phân tích về những lựa chọn “quê hương” trong các nhà văn nữ Pháp gốc Việt. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Đại học Sài Gòn) phân tích về sáng tác khí nhạc phương Tây của người Việt ở nước ngoài mang đậm chất liệu Việt, quan tâm đến triết lý nhân sinh…
Tổng kết hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho biết, những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ được tiếp thu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển VHNT; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng phong phú, đặc sắc hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.