(HNM) - Thời gian qua, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt cho Hà Nội. Tuy vậy, qua kiểm tra vẫn phát hiện một số sản phẩm trong chuỗi vi phạm...
Mối liên kết lỏng lẻo
Đến nay, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được 377 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực cung cấp cho Hà Nội, nhưng chỉ có 182 chuỗi được xác nhận sản phẩm an toàn. Đây là con số còn khiêm tốn so với nhu cầu sử dụng nông sản, thực phẩm của TP Hà Nội.
Đóng gói và dán nhãn sản phẩm thịt lợn tại Công ty TNHH thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc |
Trao đổi về những khó khăn trong xây dựng chuỗi rau, thịt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Một số nông sản tiêu thụ tại điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện; sản phẩm cung cấp không được thường xuyên (theo mùa vụ) gây gián đoạn cho công tác kiểm tra, giám sát theo chuỗi an toàn thực phẩm. Mặt khác, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư phát triển sản xuất ở các tỉnh, thành phố khác nên chưa khuyến khích được vai trò liên kết hợp tác sản xuất giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Công tác cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào - ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại cũng gặp khó khăn.
Theo ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng, nông sản của địa phương mặc dù được duy trì giám sát chất lượng, nhưng còn ít chuỗi được liên kết để tiêu thụ. Toàn TP Hải Phòng chỉ có 43 sản phẩm có bao gói, nhãn mác/1.000 sản phẩm, nên khó tiếp cận được vào các siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học… trên địa bàn Hải Phòng và Hà Nội.
Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong xây dựng chuỗi, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đang loay hoay với chương trình này. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt Đào Ngọc Nam: Hiện nhiều đơn vị sản xuất nhỏ có sản phẩm chất lượng, đặc sắc của địa phương cần tiếp cận với thị trường Hà Nội nhưng do thiếu thông tin thị trường, khó tiếp cận với hệ thống kênh bán lẻ và khách hàng; công tác truyền thông còn hạn chế nên hầu như doanh nghiệp vẫn tự mày mò tìm đầu ra với số lượng còn ít.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại Vũ Thị Vân Phượng: Hiện công ty đang xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhưng gặp nhiều vướng mắc: Trường hợp doanh nghiệp tự mình xây dựng vùng nguyên liệu thì cần nhiều vốn, nên khó bảo đảm chất lượng ở tất cả các công đoạn từ sản xuất, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, các thủ tục thương mại. Nếu liên kết sản xuất với nông dân thì mối quan hệ ràng buộc còn lỏng lẻo, chưa có chế tài áp dụng cho nông dân trong trường hợp không tuân thủ hợp đồng đã ký kết...
Bảo đảm hài hòa lợi ích
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch của Ban Điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội trong thời gian tới, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, các đơn vị của Sở sẽ tiếp tục định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho rằng: Để xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt cho thị trường Thủ đô thành công, TP Hà Nội nên xem xét hỗ trợ, bố trí địa điểm bán rau, thịt an toàn cho tổ chức, cá nhân của tỉnh Lào Cai mở tại Hà Nội; tạo điều kiện cấp phép cho xe vận chuyển sản phẩm rau, thịt an toàn được vào nội thành Hà Nội theo quy định chung của thành phố. Nhà nước xem xét có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp của Hà Nội lên tỉnh Lào Cai đầu tư phát triển vùng nguyên liệu rau an toàn, rau chuyên canh trái vụ vùng cao để tạo sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá: Đến nay, Hà Nội liên kết với 21 tỉnh, thành phố thực hiện chuỗi cung cấp rau, thịt, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu vì chuỗi được xác nhận an toàn còn ít. Trong quá trình lấy mẫu vẫn còn 4,5% mẫu chưa đạt yêu cầu, do đó các tỉnh, thành phố không được chủ quan về vấn đề này. Năm 2018, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này; thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn cho rau, thịt, các hộ sản xuất nhỏ lẻ của địa phương cung cấp cho Hà Nội, trong đó quản lý ở chợ đầu mối và chợ truyền thống để người tiêu dùng yên tâm, giám sát tốt thực phẩm rau, thịt đưa vào chợ.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội với tư cách là thị trường nhập khẩu phải đưa ra yêu cầu đối với các tỉnh khi đưa hàng hóa vào phải có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Các tỉnh, thành phố phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định để ký kết cung cấp cho Hà Nội. Các doanh nghiệp chủ động hệ thống giám sát không phụ thuộc vào cơ quan nhà nước để sau này người sản xuất, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm công bố chất lượng trước pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.