(HNM) - Những ấn phẩm sách bản đặc biệt đang thu hút không chỉ người yêu sách, mà còn tạo ra xu hướng sách vừa là sản phẩm chứa đựng tri thức, vừa như là tác phẩm mỹ thuật trưng bày đầy cá tính cho các nhà sưu tầm.
Nắm bắt được xu hướng nhiều tiềm năng này, hiện có không ít nhà xuất bản đã đầu tư nghiêm túc trong việc nghiên cứu thị hiếu, ứng dụng công nghệ để làm ra những cuốn sách thể hiện sự công phu, tỉ mỉ và sức sáng tạo không ngừng. Với tiêu chí độc, lạ, những cuốn sách bản đặc biệt đã có một thị phần nhất định trên thị trường sách với phân khúc khách hàng trung thành. Vì thế, không ít ấn bản khi phát hành chỉ sau một thời gian ngắn đã bán hết hoặc lọt vào nhóm sách bán chạy hàng đầu; thậm chí có cuốn sách trở thành hàng hiếm, có giá trị sưu tầm và được độc giả săn lùng.
Không chỉ chứng minh sức hút vô cùng lớn, sách bản đặc biệt còn tạo ra xu hướng mới, góp phần làm phong phú thêm cho ngành Xuất bản và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời còn thể hiện sự quan tâm sát sao nhu cầu độc giả, là cách nâng tầm ấn phẩm, thương hiệu của đơn vị xuất bản trong lòng bạn đọc.
Xuất bản sách bản đặc biệt rõ ràng là một hướng đi có nhiều tiềm năng. Thế nhưng, để thành công mang tính dài hơi ở mảng sách này đòi hỏi đơn vị xuất bản phải có lối đi riêng ấn tượng. Ngoài việc lựa chọn sách có nội dung hay, được nhiều độc giả biết đến, yếu tố chuyên môn cần quan tâm là sự nghiêm túc, đầu tư kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ trong thiết kế, gia công về vật chất và thời gian để làm “y phục” cho cuốn sách. Thêm nữa là nguyên liệu giấy in, da, vải… làm nên cuốn sách phải là loại chất lượng tốt, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Nói cách khác, bản sách đặc biệt phải xứng tầm là “đặc biệt”, có “một không hai”. Phải kiên quyết tránh kiểu làm “nhân bản” hoặc na ná giống nhau sẽ khiến cho sách bớt đặc biệt và giảm giá trị. Khi không có hoặc ít yếu tố độc, lạ, sang, quý thì khó lòng thu hút được người yêu sách tìm đến. Bởi với người sưu tầm sách, phần đa vấn đề không hoàn toàn nằm ở giá tiền, mà là bản đặc biệt có thỏa mãn đam mê, nhu cầu sưu tầm, tính quý hiếm mà họ đang hướng đến hay không.
Một vấn đề nữa cần lưu ý, tuy là một xu hướng tích cực, nhưng các đơn vị xuất bản cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về quyền bảo hộ và sở hữu trí tuệ để tránh những vi phạm không đáng có trong lĩnh vực xuất bản. Vì thế, việc phối kết hợp với tác giả, dịch giả, họa sĩ… cùng các đơn vị liên quan là cần thiết trước khi quyết định sản xuất ấn bản đặc biệt.
Ở góc độ cơ quan quản lý, cần đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra; cập nhật ý kiến bạn đọc để sớm phát hiện, ngăn chặn những tác phẩm vi phạm bản quyền. Đặc biệt, phải định hướng việc xuất bản sách bản đặc biệt là nhằm góp phần nâng tầm cho ngành Xuất bản nói chung, tránh lạm dụng phát hành những cuốn sách hay chủ yếu dưới hình thức bản đặc biệt, giá cao mà chỉ số ít người “với” tới, trong khi cơ hội đọc của phần lớn độc giả lại bị hạn chế.
Xuất bản sách nói chung là một nghề cao quý, mang cả kho tàng tri thức của nhân loại đến với từng người, từng gia đình. Do đó, dù cuốn sách có được làm ra với hình thức như thế nào, thì nội dung trong đó không thay đổi. Điều quan trọng là sách bản thường hay bản đặc biệt phải luôn đáp ứng được nhu cầu của người yêu sách, đều hướng đến việc thúc đẩy văn hóa đọc và tạo nên những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.