(HNM) - Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động trọng yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến việc lãnh đạo của tổ chức Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”.
Đảng bộ Hà Nội có hơn 17.000 chi bộ với trên 5.200 chi bộ tại địa bàn dân cư. Xác định được vị trí, vai trò quan trọng của chi bộ, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới. Qua đó, việc đổi mới từ nội dung đến hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tùy vào đặc điểm của từng nơi, các cấp ủy đã có cách làm hay, năng động, sáng tạo, phù hợp như: Sinh hoạt chuyên đề; phân công cán bộ về dự sinh hoạt hằng tháng tại chi bộ địa bàn dân cư; tổ chức thi bí thư chi bộ giỏi... Và thực tiễn cho thấy, những chi bộ trong sạch, vững mạnh là những đơn vị luôn duy trì sinh hoạt nền nếp với nội dung phong phú, thiết thực, hình thức đa dạng.
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế có nơi, có lúc chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn chưa đồng đều. Thể hiện rõ nhất là nội dung sinh hoạt của nhiều chi bộ còn đơn điệu, hình thức. Đáng nói, trong khi việc sinh hoạt chuyên đề đã được nhiều chi bộ tổ chức rất tốt thì vẫn có nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung, cách thức tổ chức, dẫn đến hiệu quả không cao...
Tập trung khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Do đó, thời gian tới, cấp ủy các cấp thành phố cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ.
Đặc biệt, để sinh hoạt chi bộ thêm thu hút, đạt hiệu quả thực chất thì cách thức điều hành cần được chú trọng, đổi mới. Theo đó, cấp ủy mà nòng cốt là bí thư chi bộ phải bố trí lịch sinh hoạt hợp lý; chuẩn bị kỹ nội dung; nêu cao trách nhiệm nêu gương, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thẳng thắn trong bày tỏ chính kiến, ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai...
Cùng với đó là cải tiến và nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết. Cụ thể là phải xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ; phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và gắn chặt với đời sống xã hội. Việc quan trọng nữa là nên chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, liên quan đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, qua đó có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận và giúp ích cho địa phương, đơn vị phát triển.
Một công tác khác cũng cần được duy trì thường xuyên là kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của chi bộ; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; xử lý nghiêm những đảng viên, kể cả cấp ủy không chấp hành nghiêm việc sinh hoạt chi bộ mà không có lý do chính đáng... Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một tổ chức cơ sở Đảng chỉ được nâng cao khi sinh hoạt chi bộ giữ được nền nếp tốt, có sự nghiêm túc và chất lượng luôn được coi trọng. Đây chính là nền móng vững chắc góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.