Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo lực đẩy cho tăng trưởng

Theo Chinhphu.vn| 15/02/2021 07:32

Đầu Xuân Tân Sửu 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có chia sẻ với báo chí về những giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo lực đẩy để kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Năm 2021, ngành Tài chính sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo động lực cho kinh tế phát triển. Trong ảnh: Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, với diễn biến vô cùng phức tạp. Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp hỗ trợ về dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách nhà nước, gia hạn tiền thuế, thuê đất…Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến hết tháng 11-2020 đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt gần 112 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vẫn còn đó những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm, thách thức vẫn còn bộn bề.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, bám sát những trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 theo các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Ngành Tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu như: Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Đồng thời tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng, phát triển chính phủ điện tử

Trong thời gian qua, các hệ thống thông tin nền tảng chính phủ điện tử đưa vào vận hành, khai thác đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được phản hồi tích cực của xã hội. Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng rằng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Đồng thời tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:
Bảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, hệ thống thanh toán điện tử đã tận dụng "nghịch cảnh" để đẩy mạnh phát triển, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" đã đề ra.

Hệ thống  được kiểm soát và vận hành an toàn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Nhiều công nghệ mới, hiện đại như thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh được phổ cập.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 - một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ngành Ngân hàng tiếp tục kiên định mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đặt ra, theo hướng hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phấn đấu đạt trình độ của các nước đứng đầu trong khu vực. Toàn ngành xác định sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lực đẩy cho tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.