(HNM) - Chăn nuôi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Do vậy, những năm gần đây, Hà Nội đã chú trọng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư; an toàn dịch bệnh; ứng dụng công nghệ và đưa các loại giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hình thành được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực và nhiều vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ứng Hòa… với hàng nghìn trang trại. Thực tế cho thấy, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích. Đó là tạo điều kiện thuận lợi cho phòng, chống dịch bệnh; mang lại thu nhập cao cho nông dân, doanh nghiệp (có những trang trại chăn nuôi công nghệ cao cho doanh thu 20-25 tỷ đồng/năm); ổn định đầu ra và bảo đảm cơ bản nguồn cung thực phẩm cho thị trường Hà Nội, kể cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là những thành công mang ý nghĩa nền tảng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Hà Nội cũng đang đối mặt với không ít vấn đề nội tại cần giải quyết. Cụ thể là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, sản lượng hạn chế và khó kiểm soát dịch bệnh; các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều và chưa được hoàn thiện (sản phẩm tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống). Đáng nói, hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung, nhất là nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn là “bài toán” chưa có lời giải hữu hiệu.
Để tạo bước đột phá, hướng tới một nền chăn nuôi bền vững, cùng với việc đề xuất các cấp, ngành chức năng có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, nông nghiệp Thủ đô cần điều chỉnh cơ cấu ngành chăn nuôi sao cho phù hợp với đặc thù phát triển của từng vùng tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; chăn nuôi sinh thái... tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí, tạo điều kiện về quỹ đất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và các nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, củng cố hệ thống thú y từ thành phố xuống cơ sở; thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hướng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi bảo đảm an toàn; quyết liệt triển khai các giải pháp để xúc tiến việc ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bảo đảm phát triển bền vững.
Mặt khác, chính quyền các địa phương cần khẳng định vai trò kiến tạo của mình để đẩy mạnh các hình thức liên kết trong sản xuất, như: Liên kết giữa người sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - tổ hợp tác - trang trại, theo chuỗi giá trị… Đặc biệt là liên kết giữa các xã, các huyện có điều kiện tương đồng về địa hình tự nhiên, từ đó hình thành vùng chăn nuôi tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng, hiệu quả.
Phát huy những thành quả đã đạt được và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tế phát triển, ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ tạo dựng được nền tảng mới, hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm cơ bản nhu cầu thực phẩm của thị trường Thủ đô, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.