Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá từ những mặt hàng nông sản chiến lược

Đỗ Minh| 04/02/2022 14:11

(HNMO) - Tiếp nối thành công từ xuất khẩu nông sản năm 2021, năm 2022, ngành Nông nghiệp cả nước đề ra mục tiêu tăng trưởng toàn ngành 2,8-2,9%; giá trị sản xuất tăng 2,9-3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào những mặt hàng chiến lược, đồng thời khai thác tối đa nguồn lực từ các thị trường mới, tiềm năng, giá trị cao.

Những đơn hàng đầu năm mới

Đầu năm mới, nhiều hợp đồng thương mại xuất khẩu nông sản đã được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ký kết thành công. Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam Phạm Văn Vũ chia sẻ, đầu năm 2022, Công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu 10 tấn hồ tiêu, đồng thời, tiếp tục thương lượng cho 3 hợp đồng xuất khẩu hoa hồi, hỗn hợp sản phẩm hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều và cung cấp tiêu nguyên năm, số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với tín hiệu rất khả quan.

Tương tự, ngay đầu năm 2022, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu 2 container cà phê thương hiệu Meet More đi thị trường châu Âu (EU). Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Luận cho hay, đây là cà phê chế biến hòa tan pha trộn với các loại nông sản khác như trái nhàu, bạc hà, khoai môn, xoài, dừa, đậu xanh... tạo nên hương vị độc đáo, đầy sáng tạo, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam.

Phân tích về thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19.

Cụ thể, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và khảo sát tại thị trường nhiều nước, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích hạt cà phê Việt Nam. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan.

Hay như mặt hàng cao su trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 có thể vượt mốc 3,6 tỷ USD.

Ngoài ra, các mặt hàng như trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, năm 2022, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.

Tập trung nâng cao giá trị các mặt hàng chiến lược

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát, nghĩa là chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chưa có đề án chiến lược cho từng loại thị trường. Để nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngành Nông nghiệp tập trung gia tăng chế biến, chú trọng những mặt hàng chiến lược có giá trị cao.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết, năm 2022, ngành cà phê cũng đẩy mạnh chế biến sâu, nếu các doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận đúng đắn thì dễ hấp dẫn thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản...

“Ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”, ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Ngoài, ra theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, toàn ngành sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản. Điều này được thể hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng đối với mặt hàng chiến lược như thuỷ sản, Bộ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC, hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/FLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU... là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và các nước theo FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham vấn các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc, để xây dựng Đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tình trạng tới mùa vụ mới đi thu gom nông sản xuất khẩu mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hóa.

"Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chế biến, xuất khẩu, phân tích thị trường trên cơ sở số hoá, khoa học để xây dựng chiến lược dài hạn và ngắn hạn trong từng bối cảnh để xuất khẩu nông sản giữ được thế chủ động", Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá từ những mặt hàng nông sản chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.