Bắc - Nam - Thống - Nhất là tên gọi của 4 chị em gái được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu và đặt tên, nhân kỷ niệm 2 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1977).
Đây là một ca sinh tư đầu tiên của Việt Nam, được coi là “chấn động” thời bấy giờ…
Đúng ngày 30-4-2025, chúng tôi tới thăm gia đình bà Bùi Thị Hương (sinh năm 1945) tại khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì. Bà Hương từng là người gây xôn xao khắp cả nước vì sinh 4 bé gái cùng lúc đầu tiên của Việt Nam 48 năm về trước. Niềm nở đón chúng tôi là bà Hương cùng 4 chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất.
Chia sẻ về cuộc đời mình, bà Hương cho biết, năm 1969, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1936). Khi đó, bà đang làm mậu dịch viên bán thực phẩm tại chợ Hôm.
Năm 1970, bà Hương sinh con gái đầu lòng. Năm 1977, bà mang thai tiếp và hạ sinh cùng lúc 4 con gái tại Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em (Bệnh viện C), nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Kể về quãng thời gian mang thai và sinh 4, bà Hương cho biết: “Lúc bấy giờ máy móc siêu âm không hiện đại như thời nay, lại hiếm có trường hợp sinh 3, sinh 4, vì vậy mà các bác sĩ không thể ngờ là tôi mang thai tận 4 đứa trẻ. Càng gần tới ngày sinh bụng tôi càng to, đi lại khó khăn. Đến tháng thứ 7 thì tôi phải nghỉ làm vì bị phù nề toàn thân”.
Ngày 17-4-1977, tại Bệnh viện C, bà Hương lần lượt sinh 4 người con gái. “Tôi sinh thường vào lúc 7h30 sáng. Cho tới lúc lên bàn đẻ cũng không ai biết là tôi sinh tới 4 con. Thế rồi cứ lần lượt từng đứa ra đời. Mỗi đứa cách nhau 10 phút. Riêng cô út thì ra chậm hơn 5 phút. Các y tá khi đó cứ tưởng là hết rồi nên suýt bỏ quên cô này. Chính vì thế, nước ối tràn vào mắt và làm bị đục thủy tinh thể từ đó”, bà Hương vừa kể, vừa âu yếm nhìn cô con gái út Nguyễn Thị Như Nhất.
Chính vì là ca sinh 4 đầu tiên của Việt Nam, nên gia đình bà được Đảng, Nhà nước quan tâm. “Sau khi sinh xong tôi mệt quá, ngủ thiếp đi, dậy đã thấy cả bệnh viện xôn xao. Các nhà báo cũng đến đưa tin. Ngay hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi điện, đồng thời, cử cán bộ xuống bệnh viện thăm hỏi. Thư ký của Thủ tướng bảo tôi rằng, khi biết tin tôi sinh 4, Thủ tướng đã dành tình cảm đặc biệt để đặt tên cho các cháu là Bắc - Nam - Thống - Nhất, với ý nghĩa kỷ niệm 2 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam chung một nhà”, bà Hương kể tiếp.
Bốn con gái của bà Hương sinh ra có cân nặng: Nguyễn Thị Hoài Bắc (1,6kg), Nguyễn Thị Ánh Nam (1,7kg), Nguyễn Thị Truyền Thống (1,4kg) và Nguyễn Thị Như Nhất (1,3kg). Do sức khỏe yếu nên cả 4 đều phải ở lại viện chăm sóc gần 2 tháng. Vì trường hợp sinh tư như bà vào thời điểm đó là rất hiếm gặp, bà được Nhà nước cấp cho một căn nhà 28m2 ở Trung Tự.
Bà Hương nhớ lại kỷ niệm lần đầu gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào mùng 2 Tết năm 1978, Thủ tướng đã có chuyến thăm, khiến vợ chồng bà rất bất ngờ.
“Tôi hết sức cảm động. Tôi không nghĩ là một vị Thủ tướng lại dành sự quan tâm đặc biệt tới gia đình mình như vậy. Thủ tướng bước vào, ông ân cần hỏi thăm các cháu, hỏi các cháu có thiếu gì không. Tôi thưa, cháu thiếu một cái tủ lạnh để đựng thức ăn. Sau đó tôi nhận được chiếc tủ lạnh, áo len và một cuốn sổ tiết kiệm do Thủ tướng gửi tặng. Lúc đó, tôi xúc động tới mức chỉ biết khóc. Tôi nhớ ông bảo: Con rất giỏi, giỏi như Mẹ Việt Nam anh hùng. Một mẹ nuôi tới 4 con”, bà Hương chia sẻ.
Thấu hiểu một mình chăm sóc 4 con rất vất vả, nên bà cũng được Nhà nước cho hưởng 2 suất lương (trong đó một suất nuôi con) và nghỉ làm để nuôi con cho tới khi tròn 6 tuổi. Ngoài ra, 4 chị em Bắc, Nam, Thống, Nhất được nhận trợ cấp đến năm 18 tuổi.
“Hầu như lễ, tết năm nào Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng bảo thư ký xuống đón đưa các con lên Phủ Thủ tướng chơi. Lúc các cháu nhỏ, ông cho các cháu ăn bánh cuốn, lớn thì cho các cháu ăn cơm. Ăn không hết, ông lại bảo gói mang hết về cho các con ăn. Ông còn cho thư ký mang đến cả chai nửa lít dầu cá cho các cháu uống. Ông quan tâm các cháu lắm. Tôi coi ông như người bố thứ 2 của mình”, bà Hương kể về người đỡ đầu các con mình.
Tiếp lời mẹ, chị Nguyễn Thị Ánh Nam cho hay: “Ông là người rất giản dị, gần gũi, quan tâm mọi người. Ông luôn hỏi rất cặn kẽ chúng tôi như các cháu thích ăn món gì. Ăn uống xong ông còn trò chuyện, hỏi han chuyện học hành của chúng tôi. Lúc về, ông luôn cho quà và động viên chúng tôi học tập tốt”.
Kể về kỷ niệm với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chị Nguyễn Thị Truyền Thống chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là lần biểu diễn ca trù cho ông xem. Lúc đó, chúng tôi khoảng 10 tuổi. Ông lắng nghe rất chăm chú và vỗ tay khen ngợi chúng tôi rất giỏi, còn hỏi chúng tôi có muốn vào học trong Nhạc viện không. Chúng tôi vui và thấy tự hào lắm”.
Ngày nhận tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, gia đình bà Hương cũng tới, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. “Lúc sinh thời, ông quan tâm và yêu quý các cháu. Nghe tin ông mất, cả nhà chúng tôi ai cũng khóc”, bà Hương bùi ngùi chia sẻ.
Không chỉ vất vả mang nặng đẻ đau, bà Hương cũng phải chật vật hơn người khác trong quá trình nuôi 4 con gái. Nghĩ lại cảnh nuôi 4 con, bà Hương bảo vất vả lắm. “Năm đó, đất nước cũng mới thống nhất, kinh tế khó khăn. Mỗi ngày, tôi phải nấu 2 nồi cháo to, vắt 8 bình sữa cho các con, rồi dùng sữa bò cho ăn thêm mới đủ. Do cân nặng ít, Bắc, Nam, Thống, Nhất thường xuyên ốm đau. Đã thế khi ốm là cùng lúc. Bố mẹ nội ngoại hai bên đều đã mất, chồng làm giáo viên, tự tay tôi phải chăm sóc các con, nên vất vả vô cùng”, bà Hương rưng rưng nước mắt nhớ về ngày tháng khổ cực đã qua.
Theo lời kể của bà Hương, một thời sau khi sinh, sức khỏe ổn định, bà tranh thủ trồng rau, nuôi lợn, gà, bán thêm hàng... để có thêm thu nhập nuôi con. “Thời bao cấp, đồng lương giáo viên của ông nhà tôi cộng với lương mậu dịch viên của tôi không đủ nuôi 7 miệng ăn. Dù tôi được hưởng hai suất lương, nhưng chừng đó là không đủ. Tôi không thể quên được những tháng ngày vất vả đó”, bà Hương nói đến đây lại tủi thân, đưa tay quệt nước mắt.
Cũng thật dễ hiểu, một mẹ nuôi một con đã rất vất vả, huống hồ bà Hương phải nuôi liền lúc cả 4 con, trong hoàn cảnh không dư giả gì. Bà luôn miệng nói rằng, các con bà có ngày hôm nay cũng là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của bác Phạm Văn Đồng.
Năm 1991, bà Hương về hưu, bà nhận trông giữ trẻ cho bà con hàng xóm để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Lần giở từng tấm ảnh lưu giữ khoảnh khắc về các con, bà Hương kể: “Tôi trông một lúc hơn 10 trẻ, mà ai cũng tín nhiệm, tin tưởng gửi gắm, bởi tôi chăm lo các cháu như con mình. Giờ về khu tập thể chơi là ai cũng hỏi thăm. Cũng rất tiếc chỉ vì hoàn cảnh ngày xưa tôi phải bán căn nhà ở đó”.
Cả 4 chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất sinh ra đều thiếu cân, hay ốm đau, gia đình lại không có điều kiện nên cuộc sống có nhiều khó khăn. Cả 4 chị chỉ học hết lớp 12 rồi đi làm. Các chị cũng có thời gian hơn 10 năm mở cửa hàng làm nghề uốn tóc, rồi mỗi người lập gia đình, nên lựa chọn công việc tự do khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh.
Riêng chị Nhất hiện vẫn công tác tại Hội Người mù huyện Thanh Trì. Hiện tại, chị Nhất đang ở cùng bà Hương để tiện đỡ đần bà. “Nhà toàn con gái, nên mấy chị em chúng tôi cứ cuối tuần lại quây quần tại đây để bà đỡ hưu quạnh. Ở nhà chúng tôi không gọi chị em, toàn gọi ấy, tớ với nhau. Có con rồi thì chúng tôi mới gọi “bác”, “dì” thay con”, chị Nhất chia sẻ.
Năm nay, bước qua tuổi 80, sức khỏe bà Hương đã yếu đi nhiều. Bà mắc bệnh tim mạch, thường xuyên phải dùng thuốc. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hương nói rằng vẫn cảm thấy mình là người phụ nữ may mắn vì đã nuôi nấng được các con khôn lớn, trưởng thành. Các con, cháu đùm bọc yêu thương nhau, sống đầm ấm hạnh phúc, kinh tế gia đình đã khá hơn, khiến bà cũng thấy ấm lòng ở tuổi xế chiều…
Dịp lễ trọng đại 30-4 này, người mẹ vất vả năm nào cùng 4 cô con gái sinh tư trong tà áo dài truyền thống, hân hoan đi dưới bóng cờ hoa rực rỡ của ngày 50 năm đất nước thống nhất, hòa cùng niềm vui chung của cả dân tộc. Hơn ai hết, bà Hương cùng 4 cô con gái được cố Thủ tướng đặt tên đều ý thức được rằng, đó là điều rất ý nghĩa.
Gửi gắm của cố Thủ tướng vào 4 cái tên ở 4 người con của bà Hương cũng là gửi gắm của người Việt Nam cho một đất nước Bắc - Nam thống nhất, non sông liền một dải. “Không phải ai cũng có được niềm vinh dự như vậy. Tôi vẫn luôn nhớ lời dặn dò nuôi dạy con cho tốt của ông. 30 năm tôi làm trong ngành thực phẩm không bao giờ gian dối, không có điều tiếng gì. Chính vì vậy, tôi luôn dặn các con, cháu phải sống tử tế, biết thương yêu những người xung quanh. Không được lấy của ai làm của mình. Ai khó khăn hơn, thì mình giúp đỡ”, bà Hương nở nụ cười mãn nguyện.
“Chị em chúng tôi ý thức được Đảng, Nhà nước quan tâm và cố Thủ tướng đặt tên là điều rất may mắn và đặc biệt. Cái tên Bắc - Nam - Thống - Nhất như một lời nhắc nhở chúng tôi hãy sống và làm việc xứng đáng với niềm tin yêu này”, chị Nguyễn Thị Hoài Bắc chia sẻ.
Đến nay, 48 năm đã trôi qua, các chị Bắc - Nam - Thống - Nhất cũng học tập mẹ sự chịu thương, chịu khó, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con nên người. “Hiện tôi đã có 12 cháu ngoại, 1 chắt. Cháu lớn nhất đã trở thành giáo viên. Con gái lớn của Bắc đang làm nhân viên công tác xã hội tại Bệnh viện Bạch Mai, con trai đang học cấp 3. Con gái lớn của Thống sau khi tốt nghiệp Học viện Tòa án, hiện đang công tác ở Tòa án quận Đống Đa, con trai còn nhỏ. Còn con của Nhất học lớp 1, rất giỏi môn Toán”, bà Hương tự hào nói về các con cháu mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.