(HNM) - Là khâu đầu tiên của quy trình tổ chức thực hiện pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thành phố Hà Nội coi là cầu nối quan trọng, đi trước một bước để đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận vì sự phát triển Thủ đô. Từ đầu năm 2022 đến nay, các nội dung tuyên truyền đều bám sát vấn đề thời sự, được người dân quan tâm. Đặc biệt, nhiều đơn vị chú trọng các hình thức tuyên truyền mới, thân thiện với cộng đồng mạng để thông tin một cách nhanh nhạy, hiệu quả.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thủ đô từ đầu năm 2022 đến nay được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố để tham mưu UBND thành phố xây dựng, ban hành các văn bản và triển khai theo đúng nhiệm vụ đã đề ra. Thực tế cho thấy, các đơn vị cấp thành phố tích cực tuyên truyền pháp luật gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Sở Tư pháp, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo...
Ở cấp cơ sở, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện, thị xã đã tổ chức 585 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 95.185 lượt người; tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 28.988 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Cư trú và các văn bản liên quan; Luật Phòng, chống ma túy; phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; phòng cháy, chữa cháy; quản lý và sử dụng pháo; an toàn giao thông; vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm...
Một số mô hình, cách thức phổ biến pháp luật nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân thời gian qua là tuyên truyền trên trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạng xã hội. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội (fanpage, nhóm Zalo...) để lan tỏa các bài viết tuyên truyền pháp luật. Đoàn Thanh niên thành phố chủ động lập các fanpage để thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là đăng tải các bài viết, tổ chức cuộc thi trực tuyến trên mạng xã hội… tới thế hệ trẻ, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng, gắn hiệu quả tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với đánh giá kết quả thi đua của từng trường học, cơ sở giáo dục. Nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia như: Tuần công dân (được tổ chức đầu năm học), tọa đàm, giao lưu với các luật sư; Câu lạc bộ học sinh với pháp luật; tuyên truyền viên giỏi về thực hành pháp luật...
Chú trọng vấn đề người dân quan tâm
Đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nền tảng trong việc giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 tiếp tục phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Quá trình tuyên truyền cần bám sát các vấn đề thời sự, được người dân quan tâm, tạo sự đồng thuận vì sự phát triển thành phố; đa dạng hóa, đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; áp dụng hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đàm Văn Huân quan tâm đến việc mở rộng hệ thống loa truyền thanh phường, coi đây là cách thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố đã linh hoạt điều chỉnh, đổi mới tuyên truyền pháp luật. Hội Nông dân thành phố có 500.000 hội viên, ở 18 huyện, thị xã sẽ tập trung giới thiệu Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật An toàn thực phẩm và tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến giải phóng mặt bằng, kết hợp tuyên truyền trực tuyến và trực tiếp.
Nhấn mạnh công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang chứng minh được vai trò trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, giúp các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho rằng, cần tăng cường tập huấn cho hòa giải viên cơ sở. Nếu ở 1 xã, phường, thị trấn mà có 1, 2 luật sư hỗ trợ công tác hòa giải thì hiệu quả tuyên truyền pháp luật, hòa giải sẽ tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.