Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo cơ sở quan trọng giúp Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là động lực mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mặc dù Chương trình số 07-CTr/TU có nhiều việc khó, việc chưa có tiền lệ nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, việc thực hiện Chương trình đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, có 4/7 chỉ tiêu của Chương trình dự kiến hoàn thành, đó là: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) giai đoạn 2021-2025; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Không chỉ luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu, chỉ số như: Số lượng công bố quốc tế; số lượng sáng chế đăng ký và được cấp; số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Hà Nội còn liên tục là địa phương đứng đầu cả nước trong xếp hạng bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh cũng đã có bước tiến vượt bậc.
Với lợi thế là nơi có mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao đứng đầu cả nước, Hà Nội luôn quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực “chất xám” của đội ngũ trí thức trên địa bàn. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 30-CT/TU ngày 8-3-2024 thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. UBND thành phố đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” với mục tiêu kết nối, liên kết giữa chính quyền Thủ đô với các tổ chức khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn và quốc tế nhằm thu hút và phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn lực chất xám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cũng được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2021-2024, Hà Nội đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 86 doanh nghiệp. Hiện, Hà Nội dẫn đầu cả nước với 180 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (chiếm 21%). Số lượng tổ chức khoa học và công nghệ được chứng nhận mới bình quân khoảng trên 45 tổ chức/năm. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã thành lập 9 chương trình khoa học và công nghệ. Đa số các nhiệm vụ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn, bảo đảm khách quan, minh bạch và khoa học. Giai đoạn 2021-2024, thành phố đã tổ chức nghiệm thu 188 đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Kết quả của 90% đề tài và 100% dự án sản xuất thử nghiệm, sau khi nghiệm thu, đã được áp dụng ngay với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực.
Các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trung ương và các địa phương trong cả nước. Hoạt động chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đã tạo dựng được hạ tầng số, phát triển nền tảng số, đào tạo nhân lực số để làm cơ sở vững chắc cho chuyển đổi số của thành phố...
Những thành quả đáng khích lệ đạt được trong thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng, chung sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân. Đặc biệt, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện được thành phố triển khai khẩn trương, đồng bộ, bài bản. Từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban định kỳ hằng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình chưa thực sự quyết liệt, bài bản. Còn 7/32 nhiệm vụ của Chương trình chưa được phê duyệt. Chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và bản chất của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc ứng dụng, chuyển giao rộng rãi kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn khiêm tốn. Huy động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô phát triển còn chậm...
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được xây dựng và ban hành, tiêu biểu là Luật Thủ đô năm 2024. Đây sẽ là hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước đột phá và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với quyết tâm “cởi trói”, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU Nguyễn Văn Phong, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, thành phố tập trung xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô theo đúng kế hoạch, lộ trình để kịp thời đưa vào thực tế khi Luật có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý cho khoa học công nghệ Thủ đô phát triển. Thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, thành phố sẽ chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với vị thế, tiềm lực khoa học và công nghệ của Thủ đô, đúc kết kinh nghiệm từ những năm qua, nhất là những bài học kinh nghiệm từ Chương trình số 07-CTr/TU, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng giúp Thủ đô và cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.