(HNM) - Tập đoàn Vingroup vừa khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Đình Vũ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Theo kế hoạch, trong 2 năm tới, sản phẩm ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt sẽ chính thức có mặt trên thị trường, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nặng Việt Nam phát triển.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang. |
Quyết tâm giành thế tự chủ và chủ động về công nghiệp ô tô
- Trước hết, xin chúc mừng Tập đoàn Vingroup vừa khởi công nhà máy sản xuất ô tô với thương hiệu VinFast. Ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án?
- Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast có tổng diện tích 335ha, xây dựng tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Dự án gồm 5 phân xưởng chính: Phân xưởng ép; phân xưởng thân xe; phân xưởng sơn; phân xưởng sản xuất động cơ; phân xưởng lắp ráp. Sản phẩm chủ lực của công ty là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện môi trường, với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025 và mục tiêu là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á.
Giai đoạn 1, nhà máy sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ; 1 mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện, công suất dự kiến đạt 100.000 - 200.000 xe/năm. Sản phẩm VinFast đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới là xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô. Với chủ trương đón đầu công nghệ và thân thiện với môi trường, VinFast sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới vào sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải khắt khe Euro 5.0 và Euro 6.0; đồng thời ưu tiên tối đa sử dụng năng lượng xanh trong quy trình sản xuất tại nhà máy.
- Còn ít ngày nữa thuế suất nhập khẩu ô tô nội khối ASEAN bằng 0%. Nhiều đơn vị lắp ráp tính đến kế hoạch chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất. Vì sao Vingroup quyết định thành lập Công ty Sản xuất và kinh doanh ô tô VinFast vào thời điểm này?
- Tôi muốn đề cập ở hai khía cạnh. Thứ nhất là góc độ thị trường. Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng nhất thế giới, với tỷ lệ sở hữu ô tô rất thấp, chỉ đạt 23 xe/1.000 dân, trong khi tại Thái Lan là 204 xe/1.000 dân. Còn tại các nước phát triển, tối thiểu là 400 xe/1.000 dân (riêng tại Mỹ là 790 xe/1.000 dân). Cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD/năm vào năm 2020 là những lý do làm bùng nổ nhu cầu sở hữu xe ô tô tại Việt Nam. Thứ hai là ở góc độ kinh tế. Việt Nam hiện vẫn chưa có thương hiệu ô tô riêng của người Việt. Ngành ô tô vẫn dừng ở giai đoạn nhập khẩu và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp hỗ trợ thô sơ, chi phí cao hơn Thái Lan, Malaysia… Với việc thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018, các thương hiệu ô tô đang lắp ráp tại Việt Nam có xu hướng chuyển sang nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, Indonesia, tạo nguy cơ mất việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong nước. Với những lý do trên, Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô nhằm mở ra cơ hội sở hữu ô tô với chi phí phù hợp, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
- Vậy, mục tiêu và chiến lược của Vingroup khi thành lập Công ty Sản xuất và kinh doanh ô tô VinFast là gì, thưa ông?
- Với thị trường, chúng tôi muốn hướng đến việc xây dựng một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và được công nhận trên trường quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội sở hữu ô tô, xe máy chất lượng cao, thiết kế đẳng cấp, thân thiện môi trường và đặc biệt là phù hợp thị trường, thị hiếu và thu nhập của người dân trong nước và quốc tế. Mặt khác, với nền kinh tế, thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, Vingroup mong muốn góp phần tạo động lực, thúc đẩy công nghiệp nặng, bao gồm công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam phát triển. Đây sẽ là một trong những lĩnh vực mới, mang tính đột phá trong chiến lược phát triển của Vingroup trong tương lai.
Hướng tới một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp
- Trước đây, mọi người biết Vingroup qua các dự án khu đô thị, trung tâm thương mại..., còn sản xuất ô tô là lĩnh vực mới. Vậy, Vingroup đã chuẩn bị thế nào cho lĩnh vực này, thưa ông?
- Chúng tôi đã quy tụ được một lực lượng các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư, công ty kỹ thuật, công ty chế tạo động cơ, nhà thiết kế kiểu dáng... hàng đầu thế giới cho VinFast. VinFast cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn từ tập đoàn, chẳng hạn, chuỗi Trung tâm thương mại Vincom đang dần được phủ sóng ở hầu hết các tỉnh, thành sẽ là địa điểm "vàng" để trưng bày và giới thiệu sản phẩm công ty.
Chuẩn bị cho kế hoạch này, về vốn, chúng tôi đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Suisse. Theo đó, Credit Suisse sẵn sàng thu xếp cho chúng tôi một khoản tín dụng ban đầu 800 triệu USD và có thể tăng lên theo nhu cầu phát triển của VinFast. Còn với nhân sự, chúng tôi đã tuyển dụng được các chuyên gia công nghệ và sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như BMW, General Motors, Bosch... Thuận lợi nữa là chúng tôi đã được TP Hải Phòng hỗ trợ 335ha đất trong Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải và đang xây dựng nhà máy sản xuất ô tô, nhà máy sản xuất xe máy điện, văn phòng, đường chạy thử, trường dạy nghề… Và điều quan trọng nhất, từ lãnh đạo tới từng nhân viên đều đã sẵn sàng và cùng quyết tâm cao nhất để VinFast thành công.
- Vậy theo ông, những khó khăn, cơ hội nào tập đoàn sẽ đối mặt?
- Về khó khăn, từ năm 2018, với việc mở cửa thị trường và chính sách giảm thuế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài. Tới thời điểm hiện nay, có thể nhìn nhận đây là một "cuộc chiến" gay gắt. Do đó, càng đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để có thể vượt qua và vươn lên.
Nhưng chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Đó là ngày 6-3-2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai chiến lược quy hoạch phát triển ô tô Việt Nam, khẳng định quyết tâm phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Thêm nữa, người dân Việt Nam có lòng yêu nước, tự lập, tự cường và luôn phấn đấu vươn lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng khi VinFast - thương hiệu 100% Việt Nam, có chất lượng, đẳng cấp cao, chi phí phù hợp sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội.
Theo quy hoạch, các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây sẽ được xây dựng, với tổng chiều dài trên 3.000km. Hiện nay, một số đoạn đường cao tốc phía Đông đã và đang trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, các tuyến đường cao tốc nối các tỉnh thuộc ba vùng với nhau cũng đang trong quá trình xây dựng. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 21 đường cao tốc được xây dựng với tổng chiều dài đạt gần 6.500km. Mạng lưới này sẽ tạo thuận tiện và rút ngắn thời gian đi lại nên sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy tiêu dùng xe ô tô cá nhân.
Việc gia nhập lĩnh vực ô tô vào thời điểm không chỉ đúng điểm lên của thị trường mà còn cho chúng tôi cơ hội rút kinh nghiệm, học hỏi được những bài học của những doanh nghiệp ô tô đi trước. "Sinh sau, đẻ muộn" trong nhiều trường hợp được xem là lợi thế.
- Ô tô sản xuất trong nước bao năm qua vẫn bị đánh giá là đắt đỏ hơn xe nhập, song chất lượng lại không bằng. VinFast có khắc phục được điều này cho sản phẩm của mình không?
- Chất lượng sản phẩm là uy tín của Tập đoàn Vingroup. Bằng công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại nhất vào thời điểm này, cùng với mức tự động hóa cao nhất và sự vận hành, giám sát của các chuyên gia cao cấp nước ngoài, chúng tôi sẽ tạo ra được sản phẩm tương đương các dòng xe nhập khẩu.
- Nhiều doanh nghiệp Việt cũng tham vọng tạo nên thương hiệu ô tô Việt nhưng đã thất bại, hoặc tỷ lệ nội địa hóa nhỏ, phần lớn là đi lắp ráp... Vậy, VinFast có chiến lược gì để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thương hiệu ô tô Việt Nam?
- Chúng tôi có đủ uy tín trên thị trường quốc tế để vay được vốn nước ngoài, để hợp tác được với những đối tác công nghệ - công nghiệp hàng đầu thế giới, để quy tụ được các chuyên gia tài năng và trên hết, chúng tôi có khát vọng cháy bỏng và quyết tâm dùng mọi nguồn lực để xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp và được công nhận trên trường quốc tế.
- Sự ra đời của VinFast trong bối cảnh ngành công nghiệp Việt Nam đang rất cần một động lực thúc đẩy. Ông bình luận thế nào về việc này?
- VinFast sẽ sản xuất các xe ô tô, xe máy điện với thương hiệu của mình bằng các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới đến thời điểm này với mức tự động hóa cao nhất, từ đó, góp phần đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa ngành công nghiệp Việt Nam. Chúng tôi ưu tiên mua linh kiện, phụ kiện mà các nhà sản xuất trong nước đang làm được, đồng thời sẽ hỗ trợ, hợp tác để có thêm nhiều nhà sản xuất các linh kiện, phụ kiện được triển khai tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất. Như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy được sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.