(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn thành phố. Triển khai thực hiện chỉ thị, các cơ quan chức năng, quận, huyện, thị xã của thành phố đang vào cuộc với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục vụ nhân dân đón Tết trong không khí phấn khởi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm
Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên nhiều lĩnh vực. Từ kế hoạch này, bám sát Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, các đơn vị triển khai tổng thể, đồng bộ các biện pháp; nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động phân tích, nhận diện, dự báo chính xác tình hình, đối tượng và những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tấn công, trấn áp tội phạm, quyết tâm bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao
Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn thành phố, Sở phấn đấu bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn theo kế hoạch thành phố giao và tăng thêm ít nhất 30%. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định để phục vụ nhân dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhãn hàng cũng tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn, chợ hoa xuân...; triển khai các chương trình, hoạt động kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh:
Bảo đảm mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết
Bảo đảm mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, huyện Phú Xuyên quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Huyện cũng sẽ thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội vui xuân... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của Thủ đô; yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền phải thật sự nêu gương trong thực hiện đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng:
Chăm lo cho người nghèo một cái Tết đầm ấm, đủ đầy
Phát huy truyền thống "Tương thân tương ái" của dân tộc, những năm qua, các cấp, các ngành và chính quyền quận Hai Bà Trưng luôn tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Việc thăm hỏi, chúc Tết thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… đã trở thành thông lệ, một nét đẹp truyền thống được duy trì hằng năm. Sau đại dịch Covid-19, số hộ nghèo, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gia tăng; người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp… chịu tác động xấu từ đại dịch cũng nhiều hơn. Để chăm lo cho họ có một cái Tết đầm ấm, đủ đầy không chỉ là trách nhiệm của chính quyền và các bộ, ngành, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Anh Nguyễn Hà Phương, phố Kiều Mai, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân mong muốn cơ quan chức năng sẽ siết chặt việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác dự báo và quản lý thị trường cần được tiến hành chính xác, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung, từ đó ổn định giá cả, đặc biệt là nhóm các mặt hàng thiết yếu. Người dân cũng mong, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…; đặc biệt là ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao để trục lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.