Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện để tăng tính chủ động của doanh nghiệp

Đặng Loan| 30/06/2015 06:37

(HNM) - Ngày 29-6, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn đã làm việc với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) về tình hình thực hiện tái cơ cấu; kết quả hoạt động sau cổ phần hóa…

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, cuối năm 2003 cổ phần hóa (CPH) thì năm 2004, doanh thu của Vinamilk là 4.227 tỷ đồng; đến năm 2014, tổng doanh thu đã đạt 34.977 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm. Tổng số tiền Vinamilk nộp ngân sách nhà nước là gần 19.000 tỷ đồng. So với năm 2004, hiện vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Vinamilk cũng tăng gấp 10 lần. Trong đó, vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.569 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của Vinamilk hiện khoảng 5 tỷ USD, đứng thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vinamilk hiện là công ty sữa lớn nhất Việt Nam và nắm giữ hơn 50% thị phần ngành sữa. Riêng thị phần ngành hàng sữa nước của Vinamilk hiện đạt 53%, sữa chua chiếm 84% và sữa đặc là 80%. Vinamilk cũng đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch hằng năm khoảng 200 triệu USD. Vinamilk cũng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu với 7 trang trại hiện có và đang xây dựng hai trang trại với quy mô tổng đàn 24.000 con. Tổng đàn bò bao gồm từ trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 90.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 650 tấn sữa tươi nguyên liệu. Tổng số tiền Vinamilk trợ giá cho nông dân trong 8 năm qua là gần 1.900 tỷ đồng…

Bên cạnh kết quả sản xuất - kinh doanh ấn tượng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, thành công của Vinamilk là tạo được chuỗi giá trị gắn kết với người nông dân và góp phần xây dựng ngành sữa. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao thành công của Vinamilk ở các hoạt động đổi mới, quản trị DN...

Doanh nghiệp cần được chủ động nhiều hơn

Kiến nghị với Đoàn công tác, bà Mai Kiều Liên cho rằng, cần tăng cường tính đồng bộ trong việc ban hành và áp dụng văn bản pháp luật để bảo đảm tính nhất quán; thời gian ban hành văn bản dưới luật cần kịp thời với thời điểm luật có hiệu lực. Đồng thời, theo bà Mai Kiều Liên, quy chế quản lý vốn nhà nước trong DN mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đại diện đang làm mất đi tính tự chủ của DN. Cụ thể, với quy chế của SCIC thì người đại diện không chỉ có vai trò thực hiện quyền cổ đông mà can thiệp cả vào vai trò của thành viên HĐQT. Điều này không phù hợp với khái niệm người đại diện vốn theo quy định của pháp luật như Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15-11-2012 (Nghị định 99) và Thông tư số 21/2014/TT-BTC ngày 14-2-2014 (Thông tư 21). Theo Nghị định 99 và Thông tư 21, đối với các DN mà Nhà nước sở hữu ít hơn 50% vốn điều lệ thì người đại diện được trao quyền chủ động; tuy nhiên, SCIC lại tiếp cận theo hướng hạn chế quyền của người đại diện, làm giảm đi tính tự chủ, chủ động của DN. Đơn cử, khi mua Dalatmilk, do phải giải trình nhiều lần với SCIC, tốn nhiều thời gian đã làm Vinamilk mất khoản lợi nhuận 50 tỷ đồng mỗi năm.

Bà Mai Kiều Liên cũng phản ánh, trong khi khó khăn chưa được tháo gỡ thì theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến DN cử đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định mà không có sự phân chia về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước như Nghị định 99 và Thông tư 21. Điều này cũng tạo vướng mắc đối với DN...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc ban hành văn bản hướng dẫn luật hiện không những chậm mà đôi khi còn chưa đúng với tinh thần của luật là tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Về phản ánh của Vinamilk về Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, trong đó quy định người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến của DN cử đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định mà không có sự phân chia về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định này còn lạc hậu hơn khi chưa ban hành luật. Thực tế, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, còn khi bỏ vốn đầu tư thì phải bình đẳng như các cổ đông khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội rà soát lại thật kỹ Nghị định trước khi ban hành, để bảo đảm văn bản hướng dẫn không được trái tinh thần của luật và không gây khó khăn cho DN. "Luật là để tạo môi trường kinh doanh chứ không phải thắt thêm vòng kim cô, làm cho DN mất tính tự chủ và mất đi cơ hội kinh doanh" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời đề nghị nghiên cứu mô hình vốn hóa thị trường rất thành công của Vinamilk để thực hiện chủ trương tiếp tục thoái vốn nhà nước, đẩy mạnh CPH DNNN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện để tăng tính chủ động của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.