Thời gian qua, các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm phù hợp với từng đối tượng học viên. Để các trung tâm này tiếp tục hoạt động hiệu quả thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện về mọi mặt của cấp ủy Đảng các cấp. Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận một vài ý kiến xung quanh vấn đề này.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận Long Biên Nguyễn Thế Thạch:
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên
Tại các trung tâm chính trị cấp huyện, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường công tác quản lý thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, nhất là giảng viên chuyên trách có vai trò quan trọng. Những năm qua, các cấp ủy Đảng đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn đội ngũ giảng viên bảo đảm đủ về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội quan tâm thường xuyên.
Trong thời gian tới, các trung tâm chính trị cấp huyện rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Thành ủy trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên với nhiều hình thức khác nhau; phối hợp cùng các cấp ủy Đảng chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện cho giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy.
Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Duy Sơn:
Ý thức chấp hành của học viên rất quan trọng
Để nâng cao chất lượng học tập tại trung tâm chính trị cấp huyện, ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị… thì tinh thần tự giác, ý thức chấp hành của học viên là rất quan trọng. Chính vì vậy, công tác quản lý lớp học phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học, góp phần vào kết quả học tập. Trong đó, cần tập trung hơn nữa vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học viên; xây dựng động cơ, thái độ và trách nhiệm trong việc chấp hành nội quy, quy chế trong quá trình học tập. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm nội quy, quy chế lớp học.
Đối với cán bộ quản lý lớp học cần có trách nhiệm bố trí, sắp xếp phân công ban cán sự lớp học cùng theo dõi, quản lý học viên trong suốt quá trình học tập. Ban cán sự lớp kịp thời báo cáo với cán bộ quản lý lớp học về tình hình học tập, hoạt động của lớp.
Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Thủy:
Làm tốt công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng
Trong quá trình triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở, Trung tâm Chính trị thị xã Sơn Tây luôn tìm tòi, nghiên cứu đổi mới từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến công tác chiêu sinh, quản lý học viên, kiểm tra, đánh giá, giáo vụ... Nhằm làm tốt hơn nữa công tác này, trung tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị làm tốt công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở đó lựa chọn nội dung, thời gian, đối tượng để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Trung tâm luôn chú trọng xây dựng kế hoạch chi tiết, thông báo kịp thời đến các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, chi bộ, đảng bộ trước thời gian mở lớp học để học viên sớm nắm bắt được kế hoạch, chủ động sắp xếp thời gian và công việc tham gia học tập. Việc xây dựng kế hoạch mở lớp phải dựa trên các tiêu chí, yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ chuyên môn và nhu cầu của người học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.