(HNMO) - Sáng 14-6, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 25 về “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí, xuất bản Hà Nội”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái trao Bằng khen cho các tổ chức đã thực hiện tốt Chỉ thị 25. |
Những năm qua, báo chí Hà Nội phát triển mạnh mẽ và có nhiều thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Ban đẩu chỉ có 2 cơ quan báo chí (Báo Hànộimới, Đài truyền thanh Hà Nội) và 1 tờ tin Phim mới (tiền thân của Báo Màn ảnh và Sân Khấu). Đến nay, thành phố Hà Nội có 23 cơ quan báo chí (1 đài phát thanh truyền hình; 13 báo in; 9 tạp chí chuyên ngành). Trong đó, Báo Hànộimới là cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà nội. Báo xuất bản số đầu tiên ngày 24-10-1957. Tính đến tháng 4-2013, Báo Hànộimới có tổng số 206 cán bộ, phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) làm việc tại 18 phòng, ban chuyên môn. Các ấn phẩm chính gồm: Hànộimới hàng ngày (số lượng phát hành 45.000 tờ/kỳ; Hànộimới Cuối tuần (20.000 tờ/kỳ); Hànộimới Ngày nay (18.000 tờ/kỳ); Báo Hànộimới điện tử (có khoảng 500.000 lượt bạn đọc truy cập/ngày)...
Tổng số lao động tại các cơ quan báo in của TP Hà Nội là 769 người (55% là PV, BTV), chiếm 3% tổng số nhà báo trong cả nước; 77% lao động có trình độ đại học và trên đại học; 8% có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 46% tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí; 34% là đảng viên). Đài PT&TH Hà Nội có 645 lao động (80% có trình độ đại học và trên đại học; 30% có trình độ đại học chuyên ngành báo chí).
Các cơ quan báo chí Hà Nội đều hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 43/2006/NĐ-CP), tự bảo đảm 100% hoặc một phần chi phí. Doanh thu của các cơ quan báo chí gồm nguồn ngân sách thành phố cấp; các nguồn thu từ phát hành, quảng cáo, tài trợ...
Những năm gần đây, do khó khăn của nền kinh tế nói chung, báo chí Thủ đô đều sụt giảm số lượng phát hành (trung bình giảm 30-60%) dẫn đến giảm quảng cáo, doanh thu, cộng với việc phải tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động khiến các cơ quan báo chí càng gặp nhiều khó khăn. Do khó khăn về tổ chức và phát hành, ba ấn phẩm phụ của báo chí thành phố đã tạm ngừng xuất bản...
Ông Tô Quang Phán, Tổng biên tập Báo Hànộimới phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1 nhà xuất bản trực thuộc thành phố quản lý; 44 NXB thuộc các cơ quan trung ương và địa phương khác có trụ sở hoặc chi nhánh; hơn 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp; 2 cơ sở phát hành sách do thành phố quản lý; ngoài ra, còn có hàng trăm nhà sách, cơ sở phát hành sách, hàng trăm cơ sở in lưới, in laser, photocopy của các cơ quan trung ương, các địa phương khác và tư nhân đang hoạc động trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tổng kết đã làm rõ những ưu điểm của báo chí-xuất bản Thủ đô, đồng thời vạch ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn trong các cơ quan tham mưu về hoạt động báo chí-xuất bản còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ (bản lĩnh, sự nhạy bén chính trị, sự vững vàng về chuyên môn).
Báo chí-xuất bản thành phố còn có nhiều hạn chế về tính nhạy bén, sắc sảo và chiều sâu. Nội dung thông tin, tuyên truyền và cách thức thể hiện chưa thực hấp dẫn bạn đọc; tuyên truyền điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt” đã được chú trọng nhưng chưa thường xuyên; tuyên truyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chống luận điệu, quan điểm sai trái trên các báo, đài còn thiếu chủ động; tính phát hiện và sự sáng tạo trong thông tin trên các báo, đài còn thiếu chủ động; tính phát hiện và sự sáng tạo trong thông tin trên các báo chí Hà Nội vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cơ sở vật chất của các báo thành phố còn nghèo nàn, lạc hậu: một số cơ quan báo chí đã được thành phố đầu tư, một số báo do năng động tự trang bị, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu làm báo hiện đại, phần nào hạn chế hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Dự án công nghệ thông tin cho báo chí Hà Nội triển khai thực hiện còn chậm và nhiều bất cập.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Thành ủy, đội ngũ PV, BTV của báo chí Thủ đô bảo đảm về số lượng nhưng chưa đủ mạnh để đáp ứng tốt yêu cầu thực tế. Cụ thể, hầu hết các báo, đài Hà Nội còn thiếu những phóng viên giỏi, có trình độ kinh nghiệm thực tiễn, nghiệp vụ sắc sảo; PV chưa thực sự năng động, sáng tạo (lao động còn có biểu hiện như của công chức, viên chức hành chính: quy chế hoạt động của một số báo chưa khuyến khích sức sáng tạo tác phẩm báo chí của PV...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí-xuất bản Thủ đô chú trọng, tạo điều kiện cho hệ thống báo chí-xuất bản Thủ đô phát triển toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng, nắm vững công nghệ làm báo hiện đại. Phấn đấu để báo chí-xuất bản Hà Nội phải tiêu biểu, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, là diễn đàn của nhân dân; đi đầu về tư tưởng, tính khoa học, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng.
Đồng chí Phó Bí thư cũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy, nâng cao trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Thành ủy, hiệu lực quản lý nhà nước của UBND thành phố đối với hệ thống báo chí-xuất bản Thủ đô, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Luật Báo chí, Luật Xuất bản đến các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành và đội ngũ phóng viên, biên tập viên và các tầng lớp nhân dân của Thành phố.
Các cơ quan thành phố cần có kế hoạch với lộ trình và bước đi cụ thể phù hợp và tương xứng với điều kiện kinh tế-xã hội Hà Nội. Trước mắt, Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm tham mưu để Thành phố ban hành văn bản mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lạnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí-xuất bản Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, thành phố dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí-xuất bản phát triển; tạo mọi điều kiện để các cơ quan quản lý báo chí-xuất bản, đội ngũ nhà báo phát huy năng lực nghề nghiệp, lao động sáng tạo vì sự phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.