(HNM) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền sản xuất cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, khiến hơn 1 triệu lao động trên địa bàn Thủ đô bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Trong bối cảnh đó, thành phố đã triển khai hiệu quả giải pháp kiểm soát dịch Covid-19 đi đôi với quyết liệt khôi phục sản xuất, kinh doanh nên trong năm 2020, công tác giải quyết việc làm cho người lao động của thành phố vẫn vượt kế hoạch đề ra khi đã tạo được việc làm cho gần 200.000 người…
Có được con số đầy ý nghĩa đó trước hết phải kể đến những chính sách mang tính nhân văn của Chính phủ nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Thực hiện chính sách đó, Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 514.000 người từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; chi trả đúng chế độ cho hơn 80.000 trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp… Dù phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, vẫn có gần 200 phiên giao dịch việc làm được ngành Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố tổ chức với hơn 6.000 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và đã có hàng vạn lao động ứng tuyển.
Tuy nhiên, số lao động được tuyển dụng chưa tương xứng với số người tham gia tìm việc khi chỉ khoảng hơn 15.000 người trúng tuyển. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Thực tế, cơ hội việc làm vẫn đang khá rộng mở và rất cần sự chủ động hơn nữa của các bên tham gia thị trường lao động cũng như sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trước mắt, tại thời điểm cuối năm, một số ngành nghề ở khối thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, công nghiệp chế biến... sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao. Vì vậy, cơ quan chức năng cần thu thập thông tin từ cả phía người lao động và người sử dụng lao động, từ đó có phản hồi kịp thời, chính xác để tư vấn cho doanh nghiệp và người lao động, bắc cầu nối giúp cho cung - cầu lao động gặp nhau.
Để tạo được các phiên giao dịch việc làm hiệu quả, ngành Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, cũng như với khối doanh nghiệp đang cần tuyển lao động thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn, xác định xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch Covid-19, qua đó tìm chính sách phù hợp giải quyết việc làm cho người lao động. Thêm nữa, cần tận dụng thế mạnh của công nghệ để cung cấp đầy đủ thông tin, giúp người tìm việc gặp được việc tìm người.
Đáng chú ý, mới đây, tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là nguồn lực quan trọng tạo thêm việc làm. Vì thế, các cơ quan, đơn vị được hỗ trợ phải sử dụng nguồn lực này hiệu quả để cùng mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế và cho xã hội.
Một yếu tố cốt lõi không thể không nhắc tới, đó là việc phải cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố bằng cách đẩy mạnh việc dạy và học nghề. Công tác này cần được phổ biến rộng rãi hơn nữa để tác động đến nhận thức của người lao động. Qua đó giúp người lao động thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Khi có sự chủ động của các bên trong quan hệ lao động, sẽ tạo đà cho thị trường lao động khởi sắc và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.