(HNM) - Sóc Sơn là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất TP Hà Nội với hơn 13.000ha, đồng đất cao thấp xen kẽ, nhiều diện tích đất pha cát, thủy lợi khó khăn. Ruộng đất manh mún bình quân mỗi hộ từ 10-18 ô thửa, hiệu quả sản xuất thấp.
Cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng tại Sóc Sơn. Ảnh: Phương An
Xã Tân Hưng có 557ha đất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trên 20% (cao so với các xã trên địa bàn huyện). Toàn xã có gần 40.000 thửa, trong đó, thửa lớn nhất là 800m2, thửa nhỏ nhất là 26m2. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, toàn xã có hơn 5.200 lao động, trong đó có 75% số lao động nông nghiệp. Hằng năm, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 50% tổng giá trị thu nhập toàn xã, nhưng hầu hết diện tích chỉ cấy 2 vụ lúa và 1 vụ ngô/năm, cá biệt có nhiều cánh đồng chỉ cấy được một vụ còn một vụ bỏ không do đồng úng trũng hoặc khô hạn. Giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 35-40 triệu đồng/ha/năm. Theo kết quả rà soát hiện trạng nông thôn theo 19 tiêu chí về NTM, địa phương có 5/19 tiêu chí đạt trên 50%. Đây là một tỷ lệ quá thấp so với mặt bằng chung của huyện.
Thực hiện DĐĐT, đồng ruộng của Tân Hưng đã được cán phẳng, chia lại cho các hộ đúng diện tích được giao; trước đây mỗi hộ có 18 ô thửa ở tất cả các xứ đồng nay rút xuống thành 1 ô thửa. Tất cả các thửa sẽ có đường giao thông với mặt cắt nhỏ nhất là 4m, rộng nhất lên tới 8m chạy qua và hệ thống kênh dẫn nước đến từng thửa ruộng. Để bảo đảm tiến độ thời gian, UBND xã Tân Hưng đã chỉ đạo 3 thôn làm trước là các thôn Cẩm Hà, Hiệu Chân và Ngô Đạo. Tại 3 thôn, BCĐ đã thuê máy móc về đào đắp lại toàn bộ hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Theo đó, tại khu đồng thôn Ngô Đạo đã hình thành 31 tuyến đường với tổng chiều dài gần 22km; 28 tuyến đường mương dài 20km; thôn Hiệu Chân đã đào đắp được 18 tuyến đường tổng chiều dài 5,6km, 16 tuyến đường mương và làm mới 50 cống nội đồng... Ước tính kinh phí thực hiện DĐĐT khoảng 5 tỷ đồng, trong đó UBND huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ xã Tân Hưng 3 tỷ đồng cho việc đo đạc, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, còn lại do nhân dân đóng góp bằng ngày công.
Tiền đề xây dựng NTM
Đến nay các công việc triển khai DĐĐT ở Tân Hưng đã bước đầu thành công, dự kiến từ nay đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch, kịp thời giao ruộng cho các hộ đưa vào sản xuất vụ xuân 2011. Đặc biệt, quá trình đo đạc thực tế đồng ruộng, ngoài số đất giao và số đất hiện tại đã thừa hơn 60ha. Đối với diện tích đất dư này, BCĐ dự kiến sẽ bổ sung để quy hoạch mở rộng khu trung tâm văn hóa, nghĩa trang, đất làm bãi tập trung rác thải của xã, đất công ích, giãn dân… Tại xã Minh Trí, do địa hình ruộng bậc thang nên việc quy hoạch đất đai gặp khó khăn hơn. Đến nay đã có 1/6 thôn hoàn thành quy hoạch DĐĐT với diện tích 60ha. Ông Tạ Văn Viễn, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết: Sau khi kết thúc vụ xuân 2011, xã sẽ tiếp tục triển khai DĐĐT ra các thôn còn lại, phấn đấu hoàn thành DĐĐT trong năm 2011.
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Công tác DĐĐT ở Tân Hưng thành công sẽ đạt được 3 mục tiêu trong việc hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM, vừa nâng cao giá trị sản xuất cho người dân thông qua các chương trình dự án đưa KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất; tạo điều kiện cho địa phương tiến hành quy hoạch nông thôn thuận lợi. Hơn nữa, đối với diện tích đất dôi dư trong quá trình đo đạc lại, địa phương có thể bố trí các chương trình xây dựng cơ bản và dành một phần cho công tác đấu giá huy động nguồn lực cho NTM.
Đánh giá về khó khăn trong DĐĐT, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban DĐĐT huyện cho biết: Thực tế những năm qua công tác DĐĐT triển khai khó khăn do địa hình đồng ruộng không bằng phẳng; ở một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sâu sát và thường xuyên. Mặt khác, người dân chưa thực sự hiểu hết lợi ích của việc gắn DĐĐT với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Một số cán bộ ở các địa phương còn ngại khó. Công tác tuyên truyền vận động chưa thường xuyên, liên tục. Hệ thống giao thông thủy lợi chưa đồng bộ và chưa phục vụ đắc lực cho công tác DĐĐT. Để khắc phục hạn chế trong sản xuất nông nghiệp do đất đai manh mún, trước tiên, huyện Sóc Sơn chọn hai xã Tân Hưng và Minh Trí làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Kế hoạch từ nay đến năm 2015, huyện sẽ hoàn thành DĐĐT trên toàn bộ 25 xã, thị trấn. Có thể nói, thực hiện DĐĐT là khâu tạo đà, làm giảm chi phí sản xuất và hình thành tư duy làm ăn mới. Thông qua DĐĐT, quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.