(HNM) - Hôm nay 12-4, UBND TP Hà Nội tổ chức họp triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Cán bộ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh. |
- Ông đánh giá thế nào về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô trong quý I-2018?
- Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thì tuyến xã, phường, thị trấn quản lý 56% số cơ sở này. Trong quý I-2018, toàn thành phố đã thành lập 721 đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn thực phẩm, trong đó, thành phố có 45 đoàn; quận, huyện, thị xã 82 đoàn và xã, phường, thị trấn 594 đoàn. Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hằng năm, các đoàn tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân 2018. Qua công tác kiểm tra cho thấy sai phạm chủ yếu rơi vào cơ sở làm thời vụ, chưa bảo đảm điều kiện sản xuất, người lao động chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, chưa được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Cũng trong quý I-2018, các đoàn đã kiểm tra hơn 19.000 lượt cơ sở, phát hiện gần 4.700 cơ sở vi phạm, trong đó có khoảng 2.500 cơ sở bị phạt hơn 8,6 tỷ đồng; ra quyết định đóng cửa 28 cơ sở. Cùng với việc xử phạt, các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh khắc phục tồn tại để bảo đảm tuân thủ đúng quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
- Vậy, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
- Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông nhằm tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; đồng thời thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Cùng với đó, gắn trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố cũng thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, gồm lãnh đạo các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm trưởng mỗi đoàn, kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và sở, ban, ngành trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Mặt khác, các đoàn sẽ đẩy mạnh kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khu vực được phân công.
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm sẽ được triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”?
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung xem xét các nội dung về giấy chứng nhận và hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật để chứng minh các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khi phát hiện vi phạm quy định về công bố, ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, hàng hóa không nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng… sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật với các hình thức: Đình chỉ hoạt động; buộc phải khắc phục hậu quả; tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm, phạt tiền...
Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, thành phố sẽ chuyển mạnh mẽ từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất. Trong quá trình thanh, kiểm tra sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chuyên dụng cũng như xét nghiệm tại Labo để cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra sẽ công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Nhiều ý kiến cho rằng, trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, nếu chỉ kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, xử phạt thì mới quản lý được “phần ngọn”, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được phát động trên toàn quốc mỗi năm, không chỉ tập trung xem thanh tra, kiểm tra được bao nhiêu cơ sở, xử phạt được bao nhiêu, mà điều quan trọng là dấy lên được một đợt cao điểm, tập trung một chủ đề “nóng” về an toàn thực phẩm, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Tháng hành động cũng nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, tạo động lực để triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm xuyên suốt cả năm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.