Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo bước tiến cho kinh tế đô thị

Hồng Sơn| 04/10/2022 06:27

(HNM) - Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đứng trước những thử thách mới của thời kỳ phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Kinh tế đô thị được xác định là lĩnh vực tiềm năng mà Hà Nội có lợi thế. Để có bước tiến cho nền kinh tế đô thị, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội về một số giải pháp cho vấn đề này.

Du khách mua sắm tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Đỗ Tâm

- Theo ông, kinh tế đô thị là gì và Hà Nội có tiềm năng, đặc điểm gì để phát triển kinh tế đô thị?

- Theo tôi, kinh tế đô thị là kinh tế của một đơn vị hành chính là đô thị. Đơn vị hành chính là đô thị trên địa bàn Thủ đô gồm các quận, thị xã, thị trấn, thị tứ. Với cách định nghĩa này, sẽ có các giải pháp để phát huy tốt hơn sự phát triển kinh tế của khu vực đô thị, tăng cường vai trò của khu vực này trong toàn bộ nền kinh tế Thủ đô.

Hà Nội có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế đô thị, như là nơi các doanh nghiệp, định chế tài chính lớn đặt trụ sở giao dịch; là đầu mối giao thương của các tỉnh phía Bắc. Phố cổ với chức năng thương mại, dịch vụ, mà đặc trưng là 36 phố, phường, nhiều loại hàng hóa truyền thống vẫn được kinh doanh đến nay. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước; có không gian cảnh quan đẹp, đặc sắc. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, các mô hình kinh tế mới như phố đi bộ, kinh tế đêm...

Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ phát triển nhiều khu vực đô thị mới như các đô thị vệ tinh, một số huyện trở thành quận... Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển đối với kinh tế đô thị.

- Những đóng góp của kinh tế đô thị là gì, thưa ông?

- Theo nghiên cứu của chúng tôi, kinh tế đô thị đã phát triển nhanh trong giai đoạn qua và đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Khu vực đô thị tạo ra 75,3% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2015-2020 và 95,53% GRDP năm 2020.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu phát triển kinh tế đô thị là rất cao. Giai đoạn tới, Hà Nội dự kiến sẽ khai thác, phát huy tối đa các giá trị văn hóa - lịch sử, những đặc điểm riêng có của Thủ đô để tạo bước tiến vượt trội trong hoạt động kinh tế đô thị.

- Theo ông, cần có chính sách và cơ chế gì để hỗ trợ phát triển kinh tế đô thị?

- Hà Nội đã và đang định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế đô thị theo hướng văn minh - hiện đại. Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị theo hướng này, cần nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách.

Ví dụ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...). Tạo môi trường pháp lý đầy đủ, quy định rõ ràng để phát triển các mô hình kinh tế mới và kiểm soát rủi ro. Đẩy mạnh cải tạo, chỉnh trang đô thị để tạo không gian đẹp, giàu bản sắc cho phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch. Đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư, có thêm quỹ đất phát triển kinh tế đô thị.

- Vậy cần cách làm thế nào để thúc đẩy kinh tế đô thị một cách thực chất, hiệu quả, thưa ông?

- Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, trong đó các nội dung định hướng về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị đã được nêu rõ. Đây là chủ trương có tính “đột phá” và Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước quan tâm sát sao đến phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn này.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội đang xây dựng đề án phát triển kinh tế đô thị. Theo đó, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch các không gian phát triển kinh tế; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế; cải tạo, chỉnh trang đô thị để gia tăng giá trị đô thị, góp phần phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch… Các giải pháp này cần được phân công cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ thực hiện đối với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo bước tiến cho kinh tế đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.