(HNM) - Thời gian qua, các hoạt động kinh tế đô thị tại Hà Nội đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trên cơ sở phân tích hiện trạng, nhiều chuyên gia đề xuất định hướng và một số giải pháp từ khía cạnh quy hoạch để kinh tế khu vực đô thị Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả trong giai đoạn tới.
Chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có
Theo Nghị quyết số 06-NQ/TƯ (ngày 24-1-2022) của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế trên toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hà Nội được nhìn nhận là khu vực kinh tế đô thị, trong đó có cả khu vực nông thôn. Trong những năm qua, kinh tế khu vực đô thị Hà Nội có sự phát triển khá nhanh và vững chắc, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế Thủ đô.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), mặc dù chỉ chiếm 12,7% diện tích nhưng thu ngân sách của 12 quận và thị xã Sơn Tây chiếm 41% tổng thu ngân sách toàn thành phố Hà Nội. Khu vực đô thị cũng là nơi đóng trụ sở của 80% doanh nghiệp; tạo ra hàng trăm nghìn việc làm; đồng thời góp phần lớn vào việc tiêu thụ lương thực từ ngoại thành... Tuy nhiên, có thể đánh giá, kinh tế khu vực đô thị Hà Nội vẫn chưa tạo thành mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế Hà Nội phát triển vượt trội.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phân tích, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xem xét toàn diện đến mọi yếu tố để phát triển các lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế khu vực đô thị. Ngoài đô thị trung tâm, thành phố được quy hoạch để hình thành 5 đô thị vệ tinh, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao, y tế, giáo dục, là những ngành quan trọng để phát triển kinh tế khu vực đô thị. Tuy nhiên, nhiều định hướng lớn của quy hoạch chưa thực hiện được trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch khiến kinh tế khu vực đô thị Hà Nội chưa phát huy được những lợi thế của Thủ đô.
"Việc triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế của Thủ đô để phát triển kinh tế khu vực đô thị chưa hiệu quả. Ví dụ điển hình là khu vực trung tâm thành phố rất thiếu không gian công cộng, chưa có nhiều những khu đất dành cho các loại hình kinh tế khai thác lợi thế văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hà Nội...", ông Lưu Quang Huy nêu.
Xây dựng quy hoạch đồng bộ và hiện đại
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy yếu tố kinh tế khu vực đô thị trong quy hoạch; là một trong các mục tiêu của đề án quy hoạch, hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững, tạo lập diện mạo Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, song hành với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người dân.
Cũng từ góc nhìn quy hoạch, theo Thạc sĩ, kiến trúc sư Lưu Quang Huy, trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, ngoài việc nhìn nhận các yếu tố mới, còn cần xem xét xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế khu vực đô thị, đồng thời xây dựng cơ chế, quy trình, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch.
Còn Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị rà soát lại quy hoạch xây dựng, nhất là việc phân bố, tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ để phát triển kinh tế khu vực đô thị. Trong đó, việc quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị phải theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm rõ tầm quan trọng của liên kết trong vùng Thủ đô, liên kết đô thị trung tâm đến các huyện, hệ thống cầu qua sông Hồng...
Về quy hoạch một số ngành quan trọng trong kinh tế khu vực đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đề xuất định hướng quy hoạch, phát triển thương mại - dịch vụ, để Hà Nội tiếp tục giữ vai trò trung tâm thương mại - dịch vụ hàng đầu khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, quy hoạch, đầu tư cho du lịch chất lượng cao, khai thác tối đa các giá trị văn hóa đặc sắc của nội đô lịch sử. Việc phát triển nông nghiệp đô thị tại các khu vực chuẩn bị chuyển từ huyện thành quận cần theo hướng sinh thái, góp phần tạo mỹ quan đô thị và hình thành các mô hình kinh tế đêm phù hợp với tính chất khu vực đô thị. Tại nội đô lịch sử, định hướng phát triển kinh tế đêm chủ yếu là ẩm thực và mua sắm; tại khu vực đô thị mới có thể mở thêm các loại hình giải trí cho giới trẻ...
Là đô thị giữ vị trí và trọng trách đặc biệt của cả nước, Hà Nội có trách nhiệm lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế khu vực đô thị. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều chỉ tiêu cao về tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện được những mục tiêu này, thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, kỳ vọng tạo ra những bước phát triển đột phá theo hướng văn minh, hiện đại, mang lại sự thay đổi vượt bậc, trong đó có việc lập và triển khai quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.