(HNM) - Chiều 28-8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả phiên họp. Thông tin đáng chú ý là mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% có khả năng thực hiện được.
12/14 chỉ tiêu có thể đạt và vượt
Tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) cả nước tiếp tục đà chuyển biến tích cực trong tháng 8. Trên cơ sở này, Chính phủ dự báo có thể đạt và vượt 12/14 chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2014, trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng hàng đầu là GDP đạt 5,8% và chỉ số giá tiêu dùng tăng 5%. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% là khả thi, nhưng với điều kiện các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ với quyết tâm cao trong thời gian còn lại của năm.
Dự báo khả quan về việc thực hiện mục tiêu KTXH năm 2014 là cơ sở để Chính phủ định hướng mục tiêu về kế hoạch KTXH năm 2015 với các chỉ tiêu như: Tăng trưởng GDP đạt 6,2%, lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%), tăng thu ngân sách khoảng 11%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%... Chính phủ xác định phải nỗ lực hết sức để đạt kết quả cao nhất trong phát triển KTXH năm 2014 tạo đà cho năm 2015.
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 được dự báo chỉ tăng 5%. Ảnh: Thanh Hải |
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách... Trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng yêu cầu phải tăng tổng cầu cho nền kinh tế, trước hết là tăng dư nợ tín dụng cho vay và tăng giải ngân vốn đầu tư. Về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tập trung tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng sử dụng vốn dàn trải.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó đột phá là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, đơn giản hóa TTHC của từng lĩnh vực, địa phương, báo cáo Chính phủ. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém cho xã hội, làm phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở sự phát triển.
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã thảo luận, kết luận một số vấn đề mới, được dư luận đang quan tâm. Về dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ nhất trí thông qua, giao cho Bộ GD&ĐT thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Các thành viên Chính phủ đã nhất trí cao với phương án Bộ GD&ĐT trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách (phương án 1). Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải làm rõ những điểm then chốt trong đề án, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung mới, nhiệm vụ giải pháp và kinh phí. Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết về Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường đại học: Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Ngoại thương và Đại học Hà Nội. Trong đó, Chính phủ sẽ cho phép các trường mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực gồm: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Tuy nhiên, những quyền này chỉ được thực hiện khi các trường đáp ứng đủ điều kiện, có đề án phù hợp được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét hủy bỏ quy định việc mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa không quá 2 triệu đồng/người/ngày (theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg).
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã giải đáp một số câu hỏi của báo chí về những vấn đề thời sự. Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, thông tin "10.000 lao động Trung Quốc sắp vào Vũng Áng" không xác thực. Nguồn tin có thể xuất phát từ đề xuất tuyển lao động của 29 nhà thầu tại khu công nghiệp này. Ngày 27-8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định cho phép các nhà thầu tuyển 2.063 chỉ tiêu lao động người nước ngoài. Hiện nay, các nhà thầu tiếp tục đề xuất tuyển thêm 2.700 chỉ tiêu nữa, nhưng chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận. Số lao động người nước ngoài tại Vũng Áng chưa được cấp phép là 359 người cũng đang hoàn tất thủ tục.
Liên quan đến thông tin về gian lận thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo làm rõ, sẽ có kết quả trong tháng 9-2014. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, kết quả kiểm tra mới nhất của Bộ cho thấy, Cục Quản lý cạnh tranh đã làm đúng. Về "video clip" nghi ngờ cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu tại Hải Phòng nhận tiền lót tay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đoàn công tác của Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với hai người đưa tiền và cả hai người này đều khẳng định (được ghi vào biên bản) là họ nộp phí trả cho chứng nhận xuất xứ (CO) chứ không phải đưa tiền hối lộ. Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục điều tra thêm, trước khi có kết luận cuối cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.