(HNM) - Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2019 diễn ra chiều 2-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những chỉ số tăng trưởng ấn tượng và bứt phá của kinh tế đất nước từ đầu năm đến nay, tạo đà thuận lợi hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, đồng thời nhấn mạnh, các cấp, các ngành không được chủ quan.
Sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019, các thành viên Chính phủ cho rằng, xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra, kết quả tốt hơn so với dự báo. Một số chỉ tiêu đáng chú ý: GDP tăng 6,98% - cao nhất trong vòng 9 năm qua. Xuất siêu kỷ lục, đạt gần 6 tỷ USD. Công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế...
"Với đà tăng trưởng hiện nay, 2019 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 12/12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội được Quốc hội đặt ra. Các tổ chức quốc tế đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ đạt mức 6,8%-7%. Với tốc độ này, Việt Nam được dự báo là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á", ông Mai Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, Người phát ngôn của Chính phủ thông tin, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại. Trong tháng 9 và quý III năm 2019, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự gây bức xúc trong nhân dân như tội phạm có yếu tố nước ngoài, tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng; hay vấn đề môi trường ở hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng nêu rõ quan điểm điều hành là các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra. Đồng thời theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng…
Giải đáp nhiều vấn đề nóng
Tại cuộc họp báo, đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều vấn đề báo chí nêu.
Liên quan câu hỏi bao giờ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoàn thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời: "Vẫn đang chờ tư vấn đánh giá, chưa nghiệm thu". Cụ thể, quá trình xây lắp cơ bản đã xong. Chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập là một đơn vị của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống, song hồ sơ chưa được tổng thầu cung cấp đầy đủ. Theo quy định, khi đánh giá xong tuyến đường sắt đô thị sẽ tiến hành chạy thử trong 20 ngày, sau đó sẽ đưa vào khai thác chính thức.
Về thông tin 9 người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội thăm Hàn Quốc sau đó bỏ trốn lại, đại diện Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra làm rõ, kết quả cụ thể như thế nào sẽ thông báo sau.
Liên quan đến vụ giết lái “xe ôm” công nghệ mới đây ở Bắc Từ Liêm, đại diện Bộ Công an thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) và Công an quận Bắc Từ Liêm đã nhanh chóng phá vụ án, bắt tội phạm. Đây là một chiến công đáng biểu dương của Công an thành phố Hà Nội. Về giải pháp giảm phạm pháp hình sự, Bộ Công an xác định đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Chính vì vậy, Bộ Công an đã điều chỉnh, bố trí lại lực lượng theo hướng tăng cường về cơ sở, đặc biệt là triển khai đề án đưa công an chính quy về xã.
Với vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là chất lượng không khí tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết: Thời điểm có biến đổi khí hậu và vào giai đoạn chuyển mùa đều có hiện tượng này. Hà Nội có nhiều trạm quan trắc theo dõi tất cả các chỉ số về không khí. Qua thời gian đo, thể hiện các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn, còn riêng hạt bụi mịn thì vượt ngưỡng. Đồng chí Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, Hà Nội xác định việc công bố chất lượng không khí là việc thường xuyên và hằng ngày; trên các trang thông tin của thành phố và sở, ngành đều có đầy đủ.
Về chất lượng không khí thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có kế hoạch lắp thêm trạm đo về chất lượng không khí; giải pháp giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng và trồng thêm cây xanh, vận động người dân không đốt rơm rạ. Về dài hạn, Chính phủ có kế hoạch theo dõi, giám sát, tăng cường chất lượng không khí cũng như ban hành các quy định giảm các nguồn có thể phát thải bụi mịn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương sẽ triển khai kế hoạch này ngay khi có thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.