(HNM) - Tăng cường phối hợp tuyên truyền, trao đổi, giải đáp những vấn đề người dân quan tâm cũng là một đòi hỏi đặt ra đối với MTTQ và chính quyền trong thời gian tới.
Hội nghị đại biểu nhân dân phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân năm nay được mở đầu bằng việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa năm 2015 của 23 tổ dân phố trên địa bàn. Trong bầu không khí sôi nổi, trách nhiệm, nhân dân nhận xét, cán bộ cơ sở trong một năm qua đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia hội họp các phong trào của địa phương, thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Những việc tưởng là nhỏ nhưng lại góp phần hình thành nếp sống văn hóa như nuôi nhốt chó, mèo; không mở nhạc to lúc đêm khuya; không bấm còi xe khi đêm tối, lúc sáng sớm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người… cũng được cán bộ nhắc nhở từng hộ gia đình. Sự vào cuộc của cán bộ, hưởng ứng của người dân đã mang lại chuyển động tích cực. Tuy vậy, nhân dân cũng thẳng thắn chỉ ra những việc còn hạn chế ở các tổ dân phố, từ đó đề xuất giải pháp, đưa vào Nghị quyết đại biểu nhân dân năm 2016.
Những kết quả đạt được của quận Thanh Xuân hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của người dân. Ảnh: Khánh Huy |
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phường Phương Liệt Dương Đức Khoa chốt lại: Việc thực hiện Nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân, triển khai phong trào ở địa bàn dân cư năm 2016 phải gắn với công tác thi đua, việc thực hiện quy ước dân chủ ở từng tổ dân phố. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, các tổ dân phố phải nâng cao hơn nữa công tác đăng ký, thực hiện chặt chẽ quy trình đăng ký, bình xét, kiểm tra, công nhận các danh hiệu văn hóa… Làm tốt việc này cũng đồng nghĩa sẽ nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Lê Hồng Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm cho biết: Hội nghị đại biểu nhân dân tại 18 phường đã tập trung bàn các biện pháp nhằm nâng cao ý thức tự giác của nhân dân tham gia giữ gìn trật tự đô thị, TTATGT, vệ sinh môi trường. Các nội dung khác như xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây cản trở ách tắc giao thông; thực hiện 5 tiêu chí văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ… cũng được người dân thảo luận kỹ...
Còn ở huyện miền núi Ba Vì, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phan Thị Hoa, 31 xã, thị trấn đều tổ chức hiệu quả hội nghị đại biểu nhân dân. Nhân dân được trực tiếp đánh giá, nhận xét tình hình thực hiện quy ước của thôn, làng, bản, đồng thời hiến kế nhằm thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. "Nhiều năm qua, nhờ tổ chức hiệu quả hội nghị đại biểu nhân dân, ở các thôn, làng, bản đã có sự chuyển biến tích cực về nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Nhiều hủ tục dần được xóa bỏ…" - bà Phan Thị Hoa cho biết.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: Việc tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân nhằm phát huy dân chủ, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, vì chính quyền lợi của người dân. Bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc tổ chức hội nghị tại các địa phương vẫn còn hạn chế, có nơi còn hình thức, chưa nêu được những nội dung người dân cần nghe, cần bàn, cần thực hiện. Do vậy, trong thời gian tới, MTTQ và chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, trao đổi, giải đáp những vấn đề người dân quan tâm. Đặc biệt, theo ông Vũ Hồng Khanh, phải hết sức tránh tình trạng ban hành Nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân xong rồi để đấy. Có như vậy mới nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân Thủ đô trong việc xây dựng nếp sống văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Năm 2016, có 7.891 tổ dân phố, thôn đã tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân với hơn 779 nghìn đại biểu đại diện các hộ dân dự họp (đạt trên 73%). Đã có hơn 40 nghìn ý kiến tham gia vào các nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, giáo dục giữ gìn nếp sống văn hóa, thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. 584/584 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân với 77.693 đại biểu tham dự (đạt trên 93%); có gần 4.000 ý kiến (trung bình mỗi hội nghị có 5-7 ý kiến, có nơi 15-16 ý kiến) phát biểu dân chủ, hiến kế xây dựng phường, xã, thị trấn, khu dân cư văn hóa, vững mạnh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.