(HNM) - Đã gần hết nửa đầu năm 2022, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn rất thấp điều này, thể hiện rõ những hạn chế và đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để đảo ngược tình thế trong nửa cuối năm. Nỗ lực tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công là yêu cầu Chính phủ đặt ra với các cấp, ngành, bởi đây được coi là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết quả hạn chế
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mới có 5 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 30%. Ngược lại, 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%; đáng nói vẫn còn 5 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Đây là kết quả rất hạn chế mặc dù đã được Chính phủ theo sát, chỉ đạo ngay từ đầu năm, vì thế vốn đầu tư công chưa phát huy được hiệu quả trong khi đầu tư công được xác định là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đang rất cần phục hồi, bứt phá sau hơn 2 năm trì trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, kết quả giải ngân trên tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 song không đáng kể, chưa đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đề ra. Nguyên nhân sâu xa vẫn là tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong triển khai.
Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương đến nay chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đây là việc khó chấp nhận. Các chuyên gia cũng nhận định, thực tế này cho thấy sự thiếu chủ động theo hướng tranh thủ thời gian để có cơ hội giải ngân càng sớm càng tốt.
Một nguyên nhân khách quan là giá một số nguyên, vật liệu tăng khiến quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm lại. Cùng với đó là sự chưa quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc của người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, thực tế giá nguyên, vật liệu tăng và khan hiếm tác động mạnh tới các nhà thầu. Nhà thầu vừa chịu sức ép về tiến độ vừa giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, kết quả giải ngân hạn chế do thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Chưa kể, trong giải phóng mặt bằng, cách tính giá đất cũng còn bất cập, nếu không sớm sửa đổi, bổ sung thì giải phóng mặt bằng vẫn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần quyết liệt
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đồng thời thành lập 6 đoàn công tác đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, tình hình thực sự không được cải thiện nhiều.
"Bên cạnh giá nguyên, vật liệu tăng cao, khâu giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục còn phức tạp, năng lực nhà thầu hạn chế, phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa quyết liệt, chưa tập trung, chưa nghiêm túc", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Do vậy, thời gian tới, một mặt các tổ công tác của Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương; mặt khác sẽ rà soát các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư công, xây dựng, đất đai, tài nguyên, hải quan… để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, cắt giảm, bổ sung vốn kế hoạch năm 2022 giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần từ dự án chậm trễ sang dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, giải ngân tốt hơn để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
Trong khi đó, các chuyên gia đề xuất Bộ Tài chính sớm có giải pháp, cơ chế, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao. UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì hoặc thành lập tổ công tác liên ngành cấp tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, động lực. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng như một số cơ quan đều ủng hộ việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể để có thể triển khai sớm và chủ động hơn. Song, theo Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, cần có tiêu chí phù hợp để phân loại đối với các dự án thường vướng mắc giải phóng mặt bằng, từ đó có giải pháp hiệu quả hơn.
"Để đẩy nhanh tiến độ, ý chí, trách nhiệm của cấp lãnh đạo vẫn là yếu tố quyết định. Trong cùng một điều kiện, thể chế, có bộ, tỉnh đạt kết quả giải ngân cao, nhưng nơi khác lại đạt thấp là do sự quan tâm của lãnh đạo. Nếu có sự chỉ đạo sát sao; năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu được bảo đảm thì chắc chắn kết quả giải ngân sẽ được cải thiện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ban, ngành; đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị, từ đó đánh giá đúng vai trò từng khâu cũng như thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.