(HNM) - Ngày 26-7, tại buổi họp cuối cùng của phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
UB Pháp luật của QH trình UBTVQH hai phương án. Thứ nhất, tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện quyền quản lý nhà nước trong tổ chức và hoạt động thanh tra tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ khác và theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Thứ hai, trong trường hợp chưa thể thực hiện được theo như phương án một thì cần tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận thì dù theo phương án nào vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc căn bản: "Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải có quyền chủ động ra quyết định thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; có quyền ra kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra... và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan trong các quyết định của mình".
Hôm qua, đa số nghiêng về quan điểm cần nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 48/2005/NQ-TƯ của Bộ Chính trị là "bảo đảm mọi hoạt động quản lý nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ". Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Ban soạn thảo dự án luật phải xác định vai trò chủ động của thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra cũng như đề cao trách nhiệm trong những quyền hạn nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.