Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tính chủ động

Minh Thúy| 20/02/2019 05:56

(HNM) - Báo chí là kênh cơ bản cung cấp nguồn thông tin đa dạng, đa chiều, phản ánh kịp thời các phong trào thi đua yêu nước, những nỗ lực và kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... Dấu ấn này của báo chí ngày càng sắc nét trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt từ khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21-1-2014 về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí.

Qua 5 năm, Chỉ thị số 25-CT/TU đã được triển khai nghiêm túc trên địa bàn thành phố. Với bình diện chung cả nước, Hà Nội là một trong số ít tỉnh, thành phố duy trì hằng tuần hội nghị giao ban báo chí. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 05/2014/QĐ-UBND ngày 6-2-2014 và hiện nay là Quyết định 21/2018/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã bố trí người phát ngôn, chủ động đổi mới hoạt động của trang thông tin điện tử... Với những quy định cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm, công việc phải thực hiện của từng cấp, ngành, quy chế đã góp phần thay đổi tư duy né tránh, đùn đẩy trả lời thông tin báo chí tại các cơ quan chức năng của thành phố. Việc chủ động cung cấp, minh bạch thông tin đã giúp công tác kiểm tra, giám sát, nhất là của người dân ngày càng hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị nói riêng, toàn thành phố nói chung.

Đặc biệt, với những vụ việc nổi cộm, việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí càng được các cấp chính quyền, sở, ngành coi trọng. Nhờ vậy, đã hỗ trợ đáng kể cho các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Không ít vụ việc phức tạp trên địa bàn thành phố được giải quyết nhanh gọn, đạt sự đồng thuận của người dân, một phần nhờ những thông tin được phản ánh đầy đủ, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa báo chí và bên cung cấp thông tin là quan hệ hữu cơ, mật thiết, giúp thanh lọc và định hướng dư luận. Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin là cách để cơ quan chức năng của thành phố ngày càng tăng tính chủ động và trách nhiệm trước xã hội. Bởi vậy, khi thông tin được phản ánh đúng bản chất, người có trách nhiệm trả lời đúng quy định... sẽ mang đến cách nhìn nhận đầy đủ, khách quan, từ đó người dân có nhận thức đúng về vấn đề, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Do đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực thi Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Quyết định 21/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Yêu cầu đặt ra trước hết đối với các cấp ủy, chính quyền là phải coi việc chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; cùng với đó là quan tâm rèn luyện kỹ năng, trình độ cho người phát ngôn.

Minh bạch thông tin là đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Vì vậy, cùng với việc chủ động cung cấp thông tin, trong quá trình hoạt động, các địa phương, đơn vị... cần nắm chắc tình hình, dự báo và bám sát những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc gây bức xúc dư luận, càng cần chủ động hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời có phản hồi kịp thời các thông tin chưa chính xác.

Công khai, minh bạch thông tin là một tiêu chí xác định sự phát triển của một xã hội văn minh. Sự chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, với việc tăng tính chủ động trong cung cấp thông tin, tính minh bạch sẽ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thông tin lành mạnh của nhân dân. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tính chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.